Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi châu Âu hút kiệt LNG

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, các nước châu Âu đã mua nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hơn bất kỳ năm nào trước đây, bất chấp giá cao.

Điều này khiến gần như mọi nguồn cung đang hướng về châu lục này, gây hệ lụy cho nhiều nước trên thế giới, trong đó Bangladesh và Pakistan chìm trong bóng tối.

Nguồn cung LNG toàn cầu ngày càng được chuyển hướng sang châu Âu, nơi giá được trả cao hơn. Ảnh: Nikkei
Nguồn cung LNG toàn cầu ngày càng được chuyển hướng sang châu Âu, nơi giá được trả cao hơn. Ảnh: Nikkei

Trong 9 tháng, từ tháng 1 - 9/2022, nhu cầu về LNG của các quốc gia châu Âu đã tăng đáng kể theo dữ liệu do nhóm phân tích Thị trường năng lượng và hóa chất độc lập (ICIS) cung cấp cho DW. Nhu cầu ở Pháp tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, Hà Lan tăng 109% và Bỉ tăng 157%.

Tuy nhiên, cơn khát LNG của châu Âu đang gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các quốc gia ở các khu vực khác trên thế giới. Giá LNG đang tăng vọt và lượng ít được đưa ra thị trường, khiến các nước nghèo gặp khó khăn để tiếp cận nguồn cung.

Các số liệu của ICIS xác nhận mức độ giảm nhu cầu LNG bắt buộc ở các quốc gia bên ngoài châu Âu, đặc biệt là ở châu Á. Tại Bangladesh, nhu cầu giảm 10% so với năm 2021; ở Pakistan giảm 19%, trong khi ở Trung Quốc giảm 22%.
Hậu quả của tăng nóng nhu cầu LNG của châu Âu đối với một số quốc gia ở châu lục khác là rõ ràng. Tuần trước, Bangladesh đã trải qua đợt mất điện tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ, với hơn 100 triệu người bị mất điện trong vài giờ. Trong nhiều tháng, nước này đã phải vật lộn với khó khăn do thiếu điện.

Mohammad Tamim - Đại học BRAC ở Dhaka cho biết, tình trạng mất điện ở Bangladesh có liên quan đến tình trạng thiếu năng lượng, mặc dù lý do lớn hơn là lưới điện quốc gia cần được nâng cấp. Ông cho biết các quốc gia như Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi đối với thị trường LNG vào năm 2022.

Ông nói: “Châu Âu đang cố gắng lấy từng phân tử khí ở bất cứ nơi nào có sẵn. Họ đang mua khí đốt từ hiện tại đến tương lai. Và sức mua của họ cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Vì vậy, rõ ràng là các nước như Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan đã bị ảnh hưởng rất nặng nề".

Mohammad Tamim nói: “Sự thiếu hụt năng lượng ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến ngành may mặc. Đặc biệt là ngành dệt và kéo sợi đang gặp khó khăn do cắt điện và thiếu khí đốt. Vì thiếu khí đốt, các nhà máy không thể vận hành thường xuyên. Có rất nhiều thời gian bị gián đoạn, đặc biệt là ở sản xuất hàng loạt. Nếu bị gián đoạn, toàn bộ lô sẽ bị phá hủy".

Do thiếu hụt năng lượng, dự báo tăng trưởng của Bangladesh đã bị cắt giảm mạnh trong những tháng gần đây.

Pakistan đang ở giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và tuần trước, nước này đã không thể thu hút được một gói thầu nào từ các nhà cung cấp LNG dài hạn, từ 4 - 6 năm. Trong nhiều tháng qua, Pakistan cũng đã phải vật lộn để mua LNG trên các thị trường giao hàng ngay ngắn hạn, tức chấp nhận sự không ổn định về nguồn cung cũng như giá cả.

Một trong những vấn đề lớn là Pakistan đã phải ký hợp đồng với các công ty thương mại không tự sản xuất LNG. Các hợp đồng thường bao gồm các điều khoản có thể phá vỡ cam kết, có nghĩa là các nhà cung cấp có thể bán LNG cho các thị trường khác nếu họ muốn, dù chịu một khoản phạt. Tuy nhiên, giá LNG tăng cao ở châu Âu khiến họ dù trả phạt vẫn kiếm được nhiều tiền lãi hơn.

Việc Pakistan không thể mua đủ nhiên liệu đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu điện có thể trở thành hiện thực lâu dài ở nước này. Đây là một mối đe dọa lớn đối với một nền kinh tế vốn đang chịu nhiều áp lực. Vào cuối tháng 8, IMF đã thông qua khoản cứu trợ trị giá 1,1 tỷ USD (1,13 tỷ euro) cho Pakistan.

Sự thiếu hụt LNG sẽ không còn khi việc sản xuất nhiên liệu này đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn thế giới trong vòng 4 năm tới, nhưng cho đến lúc đó, sự cạnh tranh về nhiên liệu sẽ tiếp tục khiến một số quốc gia phải chịu giá lạnh.