Nhưng thực tế không đơn giản vậy. Vợ thu nhập cao hơn chồng như con dao hai lưỡi và sợi dây bện mái ấm gia đình đôi khi bị con dao này đe dọa cắt đứt.
Một người đàn ông chia sẻ, anh đã quá mệt mỏi với tình cảnh của mình. Anh cứ tự hỏi không biết từ lúc nào cái gia đình nhỏ anh ra sức vun vén lại rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười như thế. Phải chăng anh đã sai lầm khi lùi lại sau vợ mình để chị được thảnh thơi thăng tiến, phải chăng vợ anh đã không hiểu được thiện ý của chồng. Trong con mắt của chị, anh chỉ là một gã bỏ đi. Chị giỏi giang, thăng tiến nhanh, anh không ghen tức, không buồn vì điều đó. Anh ngầm ủng hộ để chị nắm bắt được các cơ hội vươn lên. Bởi anh hiểu rằng, cũng như người đàn ông, nếu thiếu một hậu phương, chị sẽ khó vững lòng tiến bước. Khi con còn nhỏ, chị đã liên miên với những đợt công tác dài ngày. Cực nhọc, nhưng anh không thấy buồn. Anh vừa đi làm, vừa đón con, nấu cơm, cho con ăn và đợi vợ. Để rồi đến một ngày, anh giật mình khi nhìn thấy những ánh mắt không thiện cảm của vợ nhìn anh cặm cụi với những công việc bếp núc. Rồi đến những ngày chị rất hay về muộn trong tình trạng say khướt. Anh nhắc nhẹ, thì chị quát lại: “Anh thì biết gì mà dạy đời”. Anh nghĩ là chị say, chị buồn chuyện gì đó nên cũng không lấy thế làm phiền lòng.
Rồi khi con đường thăng tiến của chị cứ cao dần, anh thấy mình thụt lại phía sau cùng thái độ kẻ cả của chị trong gia đình. Kiếm được nhiều tiền hơn chồng, dần dần trong mắt chị, chồng mình "chẳng có kí lô" nào cả. Đêm đêm nằm cạnh anh, chị cứ thở dài liên tục. Thỉnh thoảng chị lại mời những đôi vợ chồng giàu có đến nhà chơi rồi hết lòng khen ngợi chồng họ. Trong khi đó hàng xóm láng giềng xì xào về những chiếc xe sang trọng suốt ngày đón chị đi sớm về khuya rồi nhìn anh với cái nhìn thương cảm. Những lúc ấy, đúng là đàn ông thật nhưng anh cũng không thể không thầm nhỏ những giọt nước mắt đắng ngắt.
Câu chuyện của người đàn ông ấy có lẽ không phải là cá biệt. Nhiều gia đình cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười chính bởi cách cư xử của họ khi vợ là trụ cột kinh tế chính. Một gia đình khác, cuộc sống sung túc đầy đủ của vợ chồng chị thường được những người bạn đưa ra làm một mục tiêu phấn đấu, nhưng nội tình thì nào ai hay. Chị than thở: Lúc lấy nhau chúng tôi tay trắng. Anh ấy thương con, lo cho vợ từng chút. Giờ đây, khi chị trở thành người kiếm tiền chủ lực cho gia đình thì cuộc sống lại đảo lộn hết. Chị mất dần sự chăm sóc của chồng. Anh khó chịu bắt ne, bắt nẹt từ cử chỉ đến lời nói. Ngày nào hết giờ làm, anh cũng la cà quán xá nhậu nhẹt. Anh thường về nhà trong tình trạng chân nam đá chân xiêu. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...” rồi lại xách xe bỏ đi... Chị thực lòng muốn được cùng anh lo cho gia đình, nhưng giải thích cách nào anh cũng không hiểu.
“Không lẽ, đàn ông cứ phải kiếm nhiều tiền hơn vợ mới thực sự là trụ cột gia đình”, câu hỏi ấy đã được không ít người phụ nữ và cả đàn ông đặt ra. Bởi trong quan niệm của nhiều người, “làm đàn ông mà kiếm tiền kém vợ cũng là một nỗi nhục” dường như vẫn chưa thay đổi. Bởi thế, khi người phụ nữ thấy chồng kém hơn mình, rất dễ nảy sinh tâm lý coi thường. Còn người đàn ông thì lại rơi vào trạng thái tự ti thái quá. Theo chuyên gia tâm lý, ai cũng có nhu cầu đi làm, quan hệ xã hội và khẳng định mình, chẳng ai muốn trở thành người “tỷ phú thời gian” với những công việc không tên trong nhà. Bởi vậy hơn ai hết, những người đi làm nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của nửa còn lại mà có những hành động cho đúng, phù hợp. Còn bản thân người đàn ông, thấy vợ mình thành công nên lấy làm vui, không nên bị cảm giác lép vế dằn vặt và sinh ra đố kỵ.
Với đàn ông hay phụ nữ, những người ở nhà nội trợ đã là sự hi sinh cho gia đình, vì họ biết lựa chọn việc làm phù hợp nhất để có được một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có thể, đó chỉ là một giai đoạn trong cuộc sống, là khi họ chưa nắm được cơ hội để bộc lộ năng lực của mình. Họ sẽ làm được nhiều điều nếu có sự động viên của nửa còn lại và hãy cho họ thời gian để làm điều đó.