Khách quan mà nói, sự việc bắt nguồn từ hai phía, nam học viên đã có những lời lẽ và cách hành xử thiếu văn hóa đối với giáo viên của mình trước. Tuy nhiên, cái sai chủ yếu vẫn từ phía cô giáo. Nữ giáo viên này đã dùng những lời lẽ mạt sát, xúc phạm đến học viên của mình như việc gọi học viên là “đồ giẻ rách”, “đồ mặt người óc lợn” và mắng nhiếc thậm tệ… Đành rằng những lời nói này không diễn ra trong trường học mà tại một trung tâm Anh ngữ. Đành rằng con người ai cũng có những lúc nóng nảy, và trong lúc nóng nảy thường mất bình tĩnh và có nhiều hành động kỳ quặc. Nhưng dù nhìn ở góc độ nào, với bất cứ lý do gì thì cách hành xử của cô T. là không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục. Xét cho cùng, trung tâm này là nơi dạy học, truyền đạt kiến thức cho học viên. Vậy mà, họ ném về nhau những lời đay nghiến, miệt thị, thiếu tôn trọng lẫn nhau nhưng lại khó khăn để nói với nhau một lời “xin lỗi”.
Có thể thấy rằng, thiếu kỹ năng giải quyết tình huống dẫn đến những vụ việc giáo viên không kiểm soát được hành vi, xử lý thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho học sinh và dư luận xã hội. Cũng trong clip này, cô T. liên tục yêu cầu học viên nộp phạt đủ 100.000 đồng mới được học tiếp. Thiết nghĩ, nguyên nhân sâu xa đang làm hỏng môi trường giáo dục, mối quan hệ giáo viên - học sinh (học viên) chính là sự lên ngôi của đồng tiền và lối cư xử thiếu văn hóa. Và dường như môi trường giáo dục ở các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm luyện thi, giáo viên và học viên chỉ ràng buộc nhau thiếu hẳn đi sự tôn sư trọng đạo.Lối cư xử thiếu văn hóa là nguy cơ lớn làm vẩn đục môi trường giáo dục và gây ra nhiều hệ lụy khác với cộng đồng, xã hội. Có lẽ, đây là vấn đề từ gốc cần được giải quyết, chứ không phải chỉ kỷ luật, đuổi việc một vài giáo viên vi phạm.