Khi lính cứu hỏa chỉ mong... thất nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, không ít lính cứu hỏa đã hy sinh và bị thương để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Hình ảnh người lính cứu hỏa quên mình vì Nhân dân phục vụ ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết trong lòng mỗi người dân Thủ đô.

Chuông báo cháy… đêm Giao thừa

Với thâm niên 26 năm công tác trong ngành, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) số 7 (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Tôi luôn tự hào là người chiến sĩ CS PCCC. Nghề của chúng tôi là khi mọi người chạy ra thì chúng tôi chạy vào. Chúng tôi vẫn mong được thất nghiệp như lời Bác Hồ chúc”. 

Từ khi bước vào ngành, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn không thể nhớ đã tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) bao nhiêu vụ. Có một kỷ niệm mà anh khó có thể quên, đó là khoảng 12 giờ đêm năm 2004, Đội nhận được tin báo hỏa hoạn. Nhà trong phố cổ nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nhưng anh em ai cũng rất nỗ lực. Sau nhiều giờ vật lộn với giặc lửa, đến 4 giờ sáng mùng Một, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Đội chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp, Phòng CS PCCC số 7 trong giờ tập luyện.
Đội chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp, Phòng CS PCCC số 7 trong giờ tập luyện.
Hỏi về cảm xúc trong những đêm Giao thừa trực chiến “giặc lửa”, Trung tá Tuấn cho hay, đã là lính cứu hỏa thì ngày nào cũng vậy, luôn phải ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Có những năm trực bắn pháo hoa ở Hồ Gươm, người người tấp nập đổ ra đón Giao thừa nhưng những chiến sĩ CS PCCC lại luôn phải “căng” mình theo dõi, để làm tròn nhiệm vụ. “Có nhiều người dân mang bánh kẹo, mứt, nước giải khát… mời anh em đang trực. Lúc đó, chúng tôi thực sự rất vui và cảm động trước tấm lòng của bà con vì cảm thấy mình được động viên, chia sẻ” - Trung tá Tuấn nhớ lại.

Trong vụ cháy tại CT4 Xa La, quận Hà Đông xảy ra vào chiều 11/10/2015, là một trong những chỉ huy trực tiếp, đầu tiên tiếp cận đám cháy, Thiếu tá Đặng Xuân Hòa - Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp, Phòng CS PCCC số 9 (quận Hà Đông) cho biết: “Khi đến, nhiều khói, khí độc tỏa ra khiến công tác trinh sát rất khó khăn. Nhận thấy tính chất nguy hiểm và khó khăn trong công tác chữa cháy, tôi đã lệnh cho các chiến sĩ triển khai đội hình chữa cháy và xin chi viện… Đến 23 giờ 30 phút, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Toàn bộ người dân được đưa xuống mặt đất an toàn”. Đồng thời chia sẻ: “Quá trình chữa cháy luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong lúc đó, mình lo làm sao để cứu thoát người dân bị mắc kẹt, ngạt khói. Vừa lo cho anh em khi dập lửa có thể gặp nguy hiểm. Khi đã dập tắt được đám cháy và cứu thoát nhiều người dân, đưa họ từ xe thang xuống, người thân của họ tới ôm chầm lấy mình, nhấc bổng mình lên và hết lời cảm ơn. Họ khóc, mình cũng rơm rớm nước mắt và cảm thấy rất tự hào”.

Lòng quả cảm của những “người hùng”

Qua câu chuyện với Thiếu tá Hòa, chúng tôi gặp Trung sĩ Phạm Hải Nam (Phòng CS PCCC số 9). Trong vụ cháy CT4 Xa La, anh lính trẻ này đã nhường mặt nạ chống độc cho cháu bé hơn 1 tuổi được hít khí oxy và đến khi trao cháu bé cho đồng đội thì ngất xỉu… Hôm đó, khi cứu nạn, Nam chạy lên tầng 18, có 4 người trong gia đình đang men theo hành lang đi xuống, nhìn thấy anh, người nhà đã trao cháu bé 1 tuổi bế xuống. Khi xuống, Nam thấy cháu bé lịm dần, hơi thở ngày càng yếu, liền tháo vội mặt nạ phòng độc của mình cho cháu bé sử dụng và hướng dẫn cả gia đình họ xuống đất an toàn… Trong vụ cháy này, chính anh là người đầu tiên lao vào hầm để trinh sát đám cháy. “Lúc đó, khói đen đặc quánh bốc ra, em không nhìn thấy bất cứ thứ gì nhưng với quyết tâm cùng đồng đội tìm cách dập tắt đám cháy nên chui vào hầm để trinh sát” - Nam nhớ lại. 
Các chiến sĩ CS PCCC đang cứu nạn các cháu bé trong vụ cháy chung cư CT4 Xa La.
Các chiến sĩ CS PCCC đang cứu nạn các cháu bé trong vụ cháy chung cư CT4 Xa La.
Một tấm gương tiêu biểu về lòng quả cảm của người lính cứu hỏa đó là Hạ sĩ Nguyễn Văn Quang (Đội Chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp, Phòng CS PCCC số 7). Tại vụ cháy xưởng sản xuất tái chế nhựa (cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, Thường Tín) xảy ra ngày 15/10/2015, Quang bị thương nặng, đến nay dù đã được xuất viện nhưng vẫn chưa bình phục. Hồi tưởng lại lúc đối mặt với “bà hỏa”, Quang kể: “Khi áp sát ngọn lửa, em phát hiện dưới đất một dòng chất lỏng đặc quánh ùn ùn từ trong xưởng chảy ra, em và anh Duy tiếp tục đưa cao vòi nước thì chân bỏng rát không nhấc nổi, em ngã nên tay, chân, lưng và mông đã bị dòng chất lỏng nhựa đặc quánh bám chặt. Khi đó, dù cũng bị ngã nhưng anh Duy chống tay đứng dậy được và kéo em lên, sau đó hai anh em được được đồng đội đưa đi cấp cứu”. Trong vụ cháy chung cư CT4 Xa La, Hà Đông, Quang tham gia chữa cháy và hướng dẫn hơn 30 người xuống đất an toàn, trong đó cõng một bà cụ từ tầng 18 và một phụ nữ ở tầng 23 xuống đất an toàn.

Hạ sĩ Trương Duy Tùng (Phòng CS PCCC số 7) dù mới hơn một năm làm việc trong lực lượng CNCH nhưng đã có nhiều thành tích xuất sắc. Ở vụ cháy CT4 Xa La, anh lính trẻ đã phải chạy lên chạy xuống mấy chục tầng để giải cứu người dân mắc kẹt. Tìm đến một căn hộ thuộc tầng 32, Tùng xưng CS, đập cửa gọi lớn thì phát hiện một phụ nữ đang run rẩy, ngồi ôm đứa con mới vài ngày tuổi tại ban công. Biết sức khỏe hai mẹ con ổn định, anh thông tin với họ đám cháy đã được khống chế, nhường bình ôxy rồi dắt họ lên sân thượng theo lối thang bộ. Trong khoảng nửa tiếng, Tùng đã hướng dẫn, tập trung được hơn 50 nạn nhân lên tầng thượng an toàn, tránh khói, khí độc, trong đó đa số là người già và trẻ em…

Trong những ngày đầu Xuân mới, dù ai đó trong chúng ta đang sum họp với gia đình, vui vầy dạo chơi, hay đang "say" với những cuộc vui bè bạn thì những chiến sĩ CS PCCC vẫn trực chiến, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Và họ luôn thầm lặng làm tròn nhiệm vụ góp phần mang mùa Xuân bình yên đến với mọi người, mọi nhà để đón những ngày hội Xuân niềm vui bất tận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần