Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định danh tài khoản mạng xã hội

Khi mỗi cá nhân đều gắn trách nhiệm pháp lý

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Một trong những nguyên nhân chính khiến các vấn nạn như lừa đảo, xúc phạm cá nhân... đang hoành hành trên mạng được cho là bắt nguồn từ việc người dùng có thể ẩn danh khi tham gia không gian mạng.

Việc gắn liền số điện thoại của mỗi người với tài khoản mạng xã hội được cho là giải pháp giúp giảm thiểu đáng kể những nguy cơ như trên.

Cần thiết để ngăn chặn vấn nạn trên không gian mạng

Vào đầu tháng 7/2023, Công an TP Hà Nội đã phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo người dùng thông qua các mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như tinh vi và táo tợn hơn về thủ đoạn. Thậm chí, những kẻ lừa đảo còn ngang nhiên sử dụng tài khoản giả mạo cơ quan chức năng như Cục An ninh mạng hay Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để khiến nạn nhân mắc bẫy dễ dàng hơn.

Cụ thể, chị H (Hà Nội) là nạn nhân của chiêu trò trên khi bị lừa mất số tiền lên tới 400 triệu đồng. Theo khai báo của chị H, khi làm cộng tác viên online trên mạng để hưởng hoa hồng nhưng bị kẻ gian lừa 100 triệu đồng. Khi phát hiện mình bị mất tiền, chị H lại tiếp tục liên hệ với một tài khoản Facebook được giới thiệu là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giúp lấy lại số tiền trên.

Tuy nhiên, tài khoản Facebook này lại yêu cầu phải nạp thêm tiền mới được giải quyết. Và đúng như "kịch bản", sau khi chị H nạp thêm 300 triệu đồng thì đã bị tài khoản kia "block" và số tiền đã một đi không trở lại.

Theo Công an TP Hà Nội, mặc dù những thủ đoạn lừa đảo như trên không có gì là mới, chỉ khác biệt đôi chút về cách thức nhưng vẫn không thiếu nạn nhân bị dính bẫy. Tuy nhiên với hình thức lừa đảo qua mạng khi sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... thường rất phức tạp và khó khăn khi tìm ra kẻ chủ mưu. Bởi khi thực hiện hành vi lừa đảo, kẻ gian thường đăng ký tài khoản xã hội bằng sim rác, sau đó chúng sẽ lập tức khóa hoặc hủy tài khoản trên.

Không chỉ lừa đảo, người dùng mạng Việt Nam còn phải đối mặt với vô vàn nguy cơ như thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ danh dự, bắt nạt qua mạng... Sự tổn thất không chỉ là tiền mà còn là danh dự, tinh thần của nạn nhân.

Theo nhiều ý kiến, nguyên nhân gốc rễ của các vấn nạn này đến từ việc kẻ gian hoàn toàn có thể "ẩn danh" trên môi trường mạng. Với suy nghĩ hành vi phạm pháp của mình sẽ không bị phát hiện khiến những đối tượng này ngày càng táo tợn hơn khi thực hiện lừa đảo, bôi nhọ nạn nhân.

 

Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, để ngăn chặn các vấn nạn xuất phát từ các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo... Bộ hoàn toàn có thể chặn hoặc xóa bỏ những tài khoản này dù có là của mạng xã hội trong nước hay quốc tế. Tuy nhiên nếu thực hiện sẽ làm mất đi dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn cho việc củng cố chứng cứ, đấu tranh của các lực lượng khác.

Bộ TT&TT vẫn phối hợp với cơ quan điều tra khi cần xác thực tài khoản trên mạng nhưng thực tế có trường hợp xác định được và có trường hợp không thể tìm ra người dùng nào đứng sau. Do đó việc định danh người dùng qua mạng xã hội là rất cần thiết.

Dựa trên thực tế đó, quy định về việc bắt buộc phải xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam đã được đưa ra tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo đó, các mạng xã hội trong nước cũng như dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Youtube... phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng với số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản. Đồng thời, thực hiện việc lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng (bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, thư điện tử (email), số điện thoại di động tại Việt Nam) cũng như cung cấp thông tin này cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Bộ TT&TT, Luật An ninh mạng đã có quy định các DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm "Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số" và "cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng".

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, DN cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định.

Thực tế quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Do đó cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Quy định mới sẽ giúp bảo đảm hiệu quả quản lý, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng. Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định mới sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước.

Làm tốt sẽ giảm thiểu đáng kể các vấn nạn tiêu cực

Nói về việc định danh người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS Vũ Ngọc Sơn cho rằng, đây là yêu cầu rất cần thiết nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, trong sạch và văn minh.

Bởi ở thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng mạng trực tuyến của người dùng trong nước đã dịch chuyển lên trực tuyến là rất lớn, từ việc mua sắm hàng hóa, thanh toán các dịch vụ hay thậm chí là trao đổi công việc, trò chuyện cá nhân. Khi đó việc xác thực một cá nhân trên không gian số là yêu cầu không thể thiếu.

Không chỉ vậy, việc định danh tài khoản số còn giúp các chế tài pháp luật hiện có được áp dụng bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Hơn thế nữa, quy định này cũng có thể xem như tấm lá chắn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nâng cao nhận thức của người dùng khi tham gia vào không gian mạng.

Tuy nhiên theo ông Sơn, việc thực hiện yêu cầu bắt buộc trên đối với các nền tảng xuyên biên giới sẽ gặp nhiều thách thức. Lý do là bởi các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... phục vụ cho người dùng trên toàn cầu nên các quy định pháp luật của Việt Nam cần lưu ý đến sự phù hợp với các thông lệ quốc tế, hiệp ước đa phương, song phương mà nước ta đã tham gia.

Hiện tại không thiếu các mạng xã hội đang cho phép định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác như đăng ký Facebook qua email Google hay thậm chí xác thực số điện thoại mà không cần xác định chính chủ hay không. Do đó việc định danh ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các dịch vụ trực tuyến có liên quan, nếu không thực hiện được sẽ không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Về phía người dùng, việc định danh cũng là nhu cầu tương đối lớn, hiện có nhiều dịch vụ trên mạng được thiết kế để dành riêng cho sở thích này. Thậm chí, thông qua công cụ thay đổi vị trí, người dùng hoàn toàn có thể đăng ký tài khoản mạng xã hội ở quốc gia khác không yêu cầu chặt chẽ về việc xác định danh tính, sau đó quay lại sử dụng tại Việt Nam. Do đó việc xóa bỏ tính ẩn danh trên các nền tảng trực tuyến đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ cũng như từ chính người dùng, ông Sơn nói thêm.

Còn theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Thành Đoàn, việc yêu cầu các mạng xã hội phải định danh người dùng qua số điện thoại sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới những nền tảng này. Người dùng hoàn toàn có thể từ bỏ sử dụng mạng xã hội này và chuyển sang một bên tương tự nếu bắt buộc phải định danh, điều này trực tiếp sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, để các mạng xã hội quốc tế hợp tác với Việt Nam nhằm thực hiện định danh như trên là điều không dễ dàng.

Không chỉ vậy, việc lộ lọt thông tin cá nhân khi tham gia các dịch vụ trực tuyến cũng đang là mối quan ngại lớn của nhiều người dùng. Trên thực tế đã có nhiều vụ lộ lọt thông tin cá nhân thời gian gần đây hoặc thậm chí những dữ liệu dạng này bị bán cho bên thứ ba. Điều này cũng là một rào cản lớn cần giải quyết nếu muốn người dùng thực sự trung thực khi định danh cá nhân của mình trên mạng xã hội.

Mặc dù vậy, cần phải khẳng định việc định danh người dùng mạng xã hội thông qua số điện thoại là việc rất cần thiết bởi môi trường mạng Việt Nam đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt với việc thời gian gần đây, hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, xác thực định danh điện tử đang được tích cực triển khai, việc đồng bộ hóa dữ liệu sẽ giúp người dùng ý thức hơn được về hành vi của mình mỗi khi tham gia không gian mạng. Từ đó sẽ giảm thiểu đáng kể các vấn nạn tiêu cực đang diễn ra từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Thành Đoàn chia sẻ.

 

Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh là phù hợp với quy luật chung của thế giới cũng như nguyên tắc, tôn chỉ của các trang mạng xã hội. Chúng ta cũng tin vào tính khả thi và khi làm được sẽ giúp môi trường mạng xã hội trong lành hơn. Với các mạng xã hội mang tính toàn cầu thì việc yêu cầu tất cả chủ tài khoản khi dùng ở Việt Nam phải định danh thì đòi hỏi cần có sự hợp tác của các nhà cung cấp với cơ quan chức năng. Việc làm trong sạch mạng xã hội không chỉ là nguyện vọng của riêng Việt Nam hay một quốc gia nào mà là của tất cả các nhà cung cấp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bùi Hoài Sơn