Tháng Tư về, đó là lúc mùa xuân đã "chín". Trong không khí vẫn còn đậm hơi nước, trong cái mát mẻ của ngày "con én đưa thoi" còn sót lại, dư vị xuân vẫn còn đây cho người Hà Nội thưởng thức trước khi bước vào mùa hè nóng bức và sôi động.
Mùa loa kèn về phố
Nói "về" bởi năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên, đúng cữ tháng Tư là thời điểm thích hợp nhất để loa kèn vào mùa, trở lại với người Hà Nội sau một năm vắng bóng.
Hoa loa kèn như người bạn cũ lâu năm, lâu năm lắm rồi, chỉ chờ cái nắng mới vàng lên khi hơi xuân chưa tan để bung nở sắc trắng dịu dàng của mình. Người Hà Nội được mệnh danh là thanh lịch, hào hoa cũng bởi ly do sành ăn, sành chơi, yêu cái đẹp suốt cả nghìn năm nay.
Vừa mới tháng Giêng "hoa đào bừng nở", tháng Hai hoa sưa, tháng Ba hoa gạo, đến tháng Tư lại hoa loa kèn. Đó chưa kể "đệm" giữa những lễ tiết, sau Tết là mùa hoa lê, cành quả mơ mận, các loại hoa nhập khẩu như mao lương, hồng mẫu đơn, thiên nga...
Không biết vì thời tiết, phong thổ, khí hậu nơi đây ưu ái các loài hoa; không biết hoa vì người mà nở hay bởi vì người yêu hoa mà trăm cái đẹp về hội tụ tại mảnh đất này. Cứ mùa nối mùa, năm tiếp năm, gặp lại nhau chưa bao giờ thấy cũ.
Nếu như các loại cành quả, hoa nhập khẩu, hoa từ miền núi xa xôi còn kén người chơi, tùy từng gu, tùy không gian bày biện và không phải ai cũng biết thưởng thức thì hoa loa kèn lại bình dân, phổ biến và dễ chiều lòng tất cả mọi người. Dễ nhưng không vì thế mà kém sang, mất vẻ duyên dáng của mình.
Từ góc bàn làm việc đơn sơ chỉ một cành đến sảnh công ty, khách sạn, nhà hàng cắm vài trăm, thậm chí vài ngàn bông; từ căn phòng giản dị đến góc đặt chiếc đàn piano đầy khí chất, hoa tôn lên vẻ đẹp của không gian mình đang tồn tại, cũng chính là tôn lên vẻ đẹp của bản thân chưa bao giờ lỗi thời.
Đúng thế, bởi năm nào cũng đến nhưng hoa loa kèn không phải là thứ theo mốt, theo trend. Loa kèn đến báo cho người ta mùa xuân đã "chín" rồi, hãy thưởng thức nốt những ngày xuân man mát trước khi cái nóng của mùa hạ ùa đến.
Khắp từ các ngõ nhỏ phố to, bao xe hoa trôi về ùa vào nhịp sống của người Hà Nội cuối xuân. Khắp từ bàn ăn, phòng khách các gia đình đến quán cà phê, không gian công cộng, cơ quan công sở... chỗ nào cũng ngập sắc trắng loa kèn.
Thành bông thành đóa, hoa không nhỏ mà dáng vẫn mong manh, yêu kiều. "Tháng Tư loa kèn mỏng manh những góc phố con đường quen", trong 12 mùa hoa của Hà Nội, loa kèn khẳng định vị thế không thể nào thay thế với người Thủ đô.
Những dịu ngọt thăng hoa
Mùa loa kèn về cũng là lúc những dịu ngọt của mùa xuân bắt đầu kết quả. Đó là những quả mơ chín vàng ươm thơm lừng quyến rũ trong cái nắng bắt đầu oi bức khi làn hơi nước dày của mùa xuân vẫn còn đây.
Người bán hàng khéo bày mẹt mơ sao cho từng quả phô trổ được sự hấp dẫn của mình tiệp cùng màu của những quả xung quanh, tạo nên hiệu ứng màu sắc rất bắt mắt. Trong khi đó, những bà bán dâu tằm cũng thoắt ẩn thoắt hiện trên phố.
Thoắt ẩn thoắt hiện là bởi lẽ dâu không có nhiều, càng không ế thừa từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau. Dâu được hái buổi sớm ở ngoại thành, chiều chuyển vào nội thành, rong ruổi trên chiếc xe đạp hay đôi quang gánh, chỉ một loáng, không kịp mua quay ra đã hết.
Đây là lúc các bà, các chị chẳng cần khéo tay cũng có thể chọn mua về. Người bán hàng sẽ tư vấn tận tình, tỉ lệ bao nhiêu dâu, bao nhiêu mơ với bao nhiêu muối, bao nhiêu đường để cho ra một bình siro hoa quả thơm ngon.
Chị Lê (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, dù chưa dùng hết nhưng cứ vào mùa là chị lại mua mơ, mua dâu về ngâm. "Ngâm mơ thì tỉ lệ một cân mơ một cân đường, nếu muốn có vị đậm hơn, uống giải khát "đã" hơn thì làm mơ muối với tỉ lệ một cân mơ, một cân đường, 3 lạng muối.
Bọn trẻ thích mê nước mơ mẹ ngâm. Còn nếu nhà có người uống được rượu thì món rượu mơ càng khiến cho ngôi nhà thơm thứ mùi không thể lẫn vào đâu được", chị Lê chia sẻ.
Các bà nội trợ đều biết dâu thì ngâm ít đường hơn, nhanh dùng hơn nhưng lại không để được lâu bằng mơ nhưng mỗi người thích mỗi vị. Nhất là thời điểm này, khi những quả dứa cũng vào mùa thì ngoài việc làm đồ ăn, thức uống giải khát, dứa, mơ, dâu... đều trở thành gia vị để rim hạt đác thành món ăn khoái khẩu cho phụ nữ và trẻ nhỏ.
Tháng Tư thường cũng là thời điểm diễn ra tiết thanh minh, tiết hàn thực. Người Hà Nội có cả tháng này để nặn bánh trôi, bánh chay. Không đơn giản chỉ là thứ bột mua người ta bán sẵn ngoài chợ về nhào, nhiều bà, nhiều chị khéo tay còn tự chế biến những loại bột đủ màu sắc từ màu thực phẩm tự nhiên cho món ăn truyền thống thêm bắt mắt.
"Màu tím từ hoa đậu biếc phơi khô để dành từ năm ngoái; màu nghệ từ quả dành dành xin ở quê; màu vàng từ cà rốt, màu xanh từ lá nếp, màu đỏ từ gấc... Toàn những thứ dễ tìm nếu chịu khó để ý.
Bọn trẻ nhà mình rất thích nặn bánh trôi màu sắc từ bột mẹ làm. Cứ cuối tuần cả nhà lại ngồi xoa xoa, nặn nặn, luộc bánh vớt bánh rồi vui vẻ ăn uống bên nhau, để cứ đến đầu tháng Tư hàng năm trẻ con lại nhắc mẹ làm bột ngũ sắc chưa? Những niềm vui giản dị ấy khiến gia đình mình càng thêm gắn bó", chị Huệ Minh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự.
Chiếc bánh trôi xưa kia "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" nhưng người phụ nữ Hà Nội hiện nay luôn biết tự làm chủ cuộc sống, tạo nên hạnh phúc cho mình và gia đình mà không quá phụ thuộc vào người khác.
Cứ như thế, bằng từng việc nhỏ, cắm với nhau một lọ hoa, làm với nhau một món ăn, những "nghi thức" đón mùa đều đặn trôi qua, lặp đi lặp lại trong vòng tròn sự sống, tạo nên những nếp gấp trong kí ức chẳng thể nào phai mờ, cũng chính là nếp nhà mà người phụ nữ trao truyền cho con cháu.
Đó cũng chính là cách người Hà Nội giữ nét thanh lịch, văn minh, giữa những đặc trưng của mình qua từng thế hệ.