Ông cũng khẳng định bản thân bị người tiền nhiệm Barack Obama “nghe lén” điện thoại trước khi đắc cử.
Vụ việc chưa từng có tiền lệ này bắt đầu khi Tổng thống Donald Trump liên tục phát ngôn trên Twitter chĩa "mũi dùi" vào các đại diện phe Dân chủ. Động thái nhằm đáp trả hàng loạt các cáo buộc khẳng định đội ngũ tranh cử của ông có liên hệ với giới chức Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Hôm 3/3, Tổng thống Mỹ cho đăng tải hình ảnh Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện dùng bữa cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mỹ và khẳng định cần điều tra về mối quan hệ này. Trong khi đó, bức ảnh đã được chụp từ 14 năm về trước. Tháng 9/2003, ông chủ Điện Kremlin tới New York tham dự sự kiện khai trương Tập đoàn dầu khí Nga Lukoil và gặp gỡ Thượng Nghị sĩ Schumer cùng có mặt tại sự kiện. Thượng nghị sĩ này cũng đáp trả lại Tổng thống với hàm ý “đá xoáy” việc Bộ trưởng Tư pháp Sessions đã gặp riêng Đại sứ Nga Kislyak tại văn phòng ở Thượng viện. Cũng trong ngày 3/3, Tổng thống Mỹ lại kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm vào nữ nghị sĩ Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Mỹ có liên quan tới Nga. Tổng thống Trump đính kèm trên trạng thái Twitter một bài báo trong đó đề cập đến cuộc gặp giữa nhóm của bà Pelosi với Đại sứ Nga tại Mỹ năm 2010.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 4/3, Tổng thống Trump tiếp tục dùng mạng xã hội Twitter cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama cài máy nghe trộm điện thoại trong văn phòng làm việc của ông tại Trump Tower trước ngày bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2016. Ông so sánh vụ việc với "Nixon/Watergate" - vụ bê bối chính trị năm 1972 khiến Tổng thống Richard Nixon mất chức. Tổng thống Trump cũng tuyên bố, sẽ mời luật sư để theo đuổi cáo buộc trên đến cùng. Vài giờ sau thông tin đó, ông Kevin Lewis - người phát ngôn của cựu Tổng thống Obama đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ khách, Giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ công khai bác bỏ cáo buộc mà ông Trump nhằm vào cựu Tổng thống Obama. Tuy vậy Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội tiến hành điều tra vụ việc.
Những cáo buộc ông Trump đưa ra liên tục xuất hiện giữa lúc nghi ngờ về việc ông có “liên hệ với quan chức Nga” trong cuộc bầu cử lại rộ lên những ngày nay. Trước đó, FBI đã vào cuộc nhằm làm rõ nghi án “Nga can thiệp bầu cử Mỹ”, trong khi ông Trump dính tin đồn được Moscow “hỗ trợ” để đắc cử. Vụ việc lại rùm beng một phần vì Jeff Sessions - Bộ trưởng Tư pháp và là cựu cố vấn tranh cử của ông Trump bị phát hiện ít nhất 2 lần tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ trong giai đoạn chốt hạ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Một mặt đây là cách Tổng thống Trump “tuyên chiến” với phe Dân chủ trong lưỡng viện, một mặt nhằm phân tán sự chú ý và các điều tra liên quan tới cáo buộc đội ngũ của ông “liên hệ với quan chức Nga”. Nhưng hiệu quả của "nước cờ" này sẽ tới đâu? Có vẻ chưa bao giờ chính trường Mỹ lại nóng bởi các màn đáp trả ăn miếng trả miếng như hiện giờ. Và nếu tiếp tục cáo buộc nhau theo kiểu này thì cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ không bao giờ dừng lại. Nếu không thể cung cấp những bằng chứng xác thực trong cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama, uy tín của ông Trump vốn đang ở mức thấp kỷ lục sẽ tiếp tục bị xói mòn, uy danh của nước Mỹ trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng.