Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi tuyến dưới đổi thay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại hoạt động của các khoa khám bệnh, đầu...

Kinhtedothi - Ngoài cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại hoạt động của các khoa khám bệnh, đầu tư y tế kỹ thuật cao, Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới" nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những thành tựu đáng ghi nhận của ngành y tế Thủ đô trong thời gian qua. Nhờ đó, số người khám chữa bệnh (KCB) tuyến dưới tăng, giảm tải cho tuyến trên.

Tuyến dưới triển khai kỹ thuật cao

Nhờ được BV Đa khoa Xanh Pôn và BV Việt Nam – Cuba hỗ trợ chuyên môn, kể từ khi được Sở Y tế đầu tư máy mổ nội soi (tháng 8/2015) đến nay, BV Đa khoa Thạch Thất đã thu hút hơn 30 bệnh nhân đến mổ nội soi. Ngoài mổ nội soi ruột thừa, BV còn thực hiện mổ nội soi u xơ tiền liệt tuyến, đứt dây chằng khớp gối, cắt túi mật, u xơ tuyến giáp. Hiện tại, BV có 5 bác sĩ (BS) là phẫu thuật viên của các chuyên khoa. BS Vương Trung Kiên - Giám đốc BV cho biết: Phương pháp mổ mở trung bình một bệnh nhân từ khi mổ đến khi ra viện là 7 - 10 ngày, còn mổ nội soi trung bình chỉ 3 - 4 ngày, đã rút ngắn thời gian nằm điều trị và giảm chi phí cho người bệnh, nhiều bệnh nhân trước đây phải chuyển tuyến nay đã được phẫu thuật tại BV tuyến huyện an toàn.
Nhờ được tuyến trên hỗ trợ, Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi. 	Ảnh: Hải Lý
Nhờ được tuyến trên hỗ trợ, Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi. Ảnh: Hải Lý
Tương tự, là đơn vị từng thiếu BS, trang thiết bị sử dụng không hiệu quả, không thu hút được bệnh nhân nhưng từ khi nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của các BV tuyến trên (BV Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam - Cuba, Y học cổ truyền Hà Nội), BV Đa khoa huyện Phúc Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, lượng bệnh nhân đến khám không ngừng tăng lên. Giám đốc BV Nguyễn Quang Mậu phấn khởi cho biết, vào thời điểm trước tháng 7/2014, hầu như BV phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, việc triển khai những ca phẫu thuật tại đây rất hiếm hoi. Thế nhưng, đến nay, trung bình mỗi tháng, BV có trên 100 ca mổ ngoại và sản khoa. Riêng sản khoa, cao điểm có ngày lên đến 6 - 7 ca mổ (tương đương với cả tháng trước đây).

Đáng chú ý, nhiều BV, trung tâm y tế (TTYT) được nhiều đơn vị hỗ trợ các chuyên ngành khác nhau cùng một thời điểm. Chẳng hạn, BV Đa khoa Phúc Thọ nhận được sự giúp đỡ của 6 BV: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Y học cổ truyền Hà Nội, Tim Hà Nội, Mắt Hà Đông, Việt Nam - Cuba. Hay như BV Đa khoa Hoài Đức nhận được sự giúp đỡ của các BV: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Y học cổ truyền Hà Nội... Đơn vị tuyến trên khi hỗ trợ một đơn vị tuyến dưới đã cùng lúc hỗ trợ nhiều chuyên ngành như BV Đa khoa Thanh Nhàn hỗ trợ BV Đa khoa huyện Mỹ Đức các chuyên ngành hồi sức tích cực, nội tim mạch, ngoại, nhi, điều dưỡng; BV Đa khoa Hà Đông hỗ trợ BV Đa khoa Sơn Tây các chuyên ngành ngoại, nhi, tai mũi họng, điều dưỡng...

Hướng đi đúng

Đề cập đến vấn đề luân phiên BS tuyến trên về tuyến dưới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, Hà Nội đang đi đúng hướng. Ngoài việc đầu tư nhân lực chất lượng cao cho tuyến trên, TP rất quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới. “Muốn thu hút bệnh nhân, trước tiên phải có BS giỏi. Việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm công bằng trong KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân” - ông Hiền khẳng định. 

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, năm 2015, ngành y tế Thủ đô đã có 26 đơn vị xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, trong đó có 25 BV và 1 TTYT huyện. Tổng số cơ sở tuyến dưới được tiếp nhận người đến hỗ trợ là 37 đơn vị (gồm 22 BV, 15 TTYT). Tổng số người đang thực hiện luân phiên là 64 BS, 23 điều dưỡng, kỹ thuật viên… Có 21/22 BV, 12/14 TTYT đã được tiếp nhận cán bộ đến luân phiên hỗ trợ chuyên môn ở các chuyên ngành đã đăng ký. Các cán bộ cử đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới là cán bộ y tế được lựa chọn có trình độ chuyên môn tốt, chuyên khoa sâu, nhiều người là trưởng, phó các khoa lâm sàng các BV hạng I của TP.

Có thể nói, việc cử người hành nghề đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới trong năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ góp phần giúp các đơn vị y tế cơ sở như BV huyện, TTYT huyện, là những đơn vị còn rất khó khăn về nhân lực, đặc biệt là thiếu các BS chuyên khoa, sẽ có thêm đội ngũ BS, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt để phát triển chuyên môn tại cơ sở, qua đó thu hút thêm người dân địa phương và khu vực lân cận đến KCB, nâng cao uy tín cơ sở KCB, làm giảm tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến, tránh quá tải cho các BV tuyến trên

Trước những thành quả mà Đề án mang lại, ông Hiền cho rằng, thực hiện Đề án là hướng đi đúng của ngành y tế Thủ đô. Tới đây, Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn thách thức để nâng cao hơn nữa chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở.