Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi xe đạp đua với “tử thần”

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng đoàn người sử dụng xe đạp dàn hàng di chuyển trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài đang gây nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông qua tuyến đường này. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn để giải quyết triệt để tình trạng trên.

Đoàn người nối đuôi nhau đạp xe vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Khánh
Đoàn người nối đuôi nhau đạp xe vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Khánh

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài có cắm biển cấm người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy... Tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc từ 80 - 90km/h. Thời gian qua, tình trạng hàng đoàn xe đạp nối đuôi nhau đi vào Đại lộ Võ Nguyên Giáp khiến nhiều tài xế ô tô di chuyển trên tuyến đường này vào buổi sớm không khỏi giật mình.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ 5 giờ sáng hàng ngày, nhiều tốp người điều khiển xe đạp ngó lơ biển cấm, dàn hàng đi vào đường dành riêng cho ô tô với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Hoàng Thương, lái xe taxi thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này cho biết: “Có những hôm tôi “lạnh gáy” vì đang di chuyển tốc độ cao, bỗng gặp đoàn người đi xe đạp phía trước. Thậm chí, có người còn đạp xe lưu thông ở làn giữa đường, trêu đùa, cười nói mà không hề ý thức được sự nguy hiểm của hành động đó”. Theo anh Thương, tuyến đường này có nhiều đoạn cong, cầu vượt nên khuất tầm nhìn, xe đạp lại đi đông vào rạng sáng, chỉ cần thiếu quan sát một chút là có thể gây tai nạn nghiêm trọng.

Nhiều lần phải phanh gấp trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp, chị Lê Thị Hà trú tại quận Tây Hồ bức xúc: “Có hôm đang đi nhanh, tôi phải phanh gấp vì bất ngờ xuất hiện hàng chục người đi xe đạp phía trước. Mặc dù, ngay sát bên đại lộ có đường gom rất đẹp và vắng xe nhưng những người này vẫn cố tình đi vào đường dành riêng cho ô tô”.

Thế nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông N.V.B trú tại quận Tây Hồ, một người đi xe đạp vào Đại lộ Võ Nguyên Giáp cho hay: “Vì tuyến đường này khá rộng lại thoáng, hướng ra ngoại thành nên tôi cùng bạn bè thường xuyên lựa chọn để đi tập thể dục bằng xe đạp. Chúng tôi đi vào giờ sớm, đi nép sát vào lề đường nên không cảm thấy nguy hiểm lắm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng mô tô, xe đạp, xe thô sơ… cố tình vi phạm luật giao thông, đi vào Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài đã diễn ra một vài năm gần đây và không ít trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, nhiều người đi xe đạp quay đầu bỏ chạy, thậm chí bê xe qua dải phân cách để trốn. Thực trạng này diễn ra khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Cần xử nghiêm, phạt nặng

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xe đạp, xe máy đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt từ 200.000 - 300.000 đồng với xe đạp và từ 2 - 3 triệu đồng với xe máy. Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe đối với những cá nhân cố tình vi phạm.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại úy Đỗ Văn Thắng – cán bộ Đội CSGT số 15 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Đội thường xuyên thành lập các tổ công tác tiến hành đón lõng, xử phạt hành vi cố tình đi vào đường dành riêng cho ô tô. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã bị xử phạt. Trong sáng 15/9, tổ công tác của Đội đã xử phạt 3 trường hợp đi xe đạp vào Đại lộ Võ Nguyễn Giáp”.

Theo đại úy Đỗ Văn Thắng, việc xử lý xe đạp đi vào đường dành riêng cho ô tô trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp cũng gặp một số khó khăn khi một người bị bắt sẽ thông báo lên các hội nhóm qua mạng xã hội để những người khác chuyển hành trình di chuyển. Nhiều trường hợp khi thấy lực lượng chức năng liền quay đầu bỏ chạy hoặc lao thẳng về phía lực lượng chức năng.

“Việc quay đầu bỏ chạy trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp hết sức nguy hiểm vì ô tô chạy tốc độ cao. Những chiếc xe đạp của người vi phạm cũng thường rất nhẹ nên việc mang vác, bỏ chạy dễ dàng. Để đảm bảo an toàn giao thông, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên tuyến đường này” – đại úy Đỗ Văn Thắng thông tin.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, một số cá nhân ý thức kém, không có văn hóa tham gia giao thông khi cố tình đi xe đạp vào đường chỉ dành riêng cho ô tô. Hành vi này không những gây mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn gây nguy hiểm đến các phương tiện khác. Trên thực tế đã có không ít trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng khi đi xe đạp vào đường cao tốc, đường dành riêng cho ô tô.

“Mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng như hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Cần có những chế tài mạnh tay hơn nữa như tạm giữ phương tiện, tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm gây tai nạn giao thông” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

 

Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý và tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm khi sử dụng xe đạp đi vào đường dành riêng cho ô tô chạy tốc độ cao.

Ngoài ra, biển cấm phương tiện xe máy, xe thô sơ cũng cần được đặt ở những vị trí dễ quan sát để tránh trường hợp đi nhầm. Cơ quan quản lý đường nên bố trí thêm biển báo nhắc lại, đồng thời mở một số lối ra nhỏ chỉ vừa xe đạp, xe máy để những người đi nhầm có thể di chuyển ra khỏi đường cấm ngay.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan