Khó cũng phải cố

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chuyến thăm Nga vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Nga và Nhật Bản chính thức khởi động quá trình đàm phán về hiệp ước hòa bình.

Nghe thì to tát vậy thôi chứ thực chất là đàm phán tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril do Nga quản lý từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong thế kỷ trước đến nay.

Ông Abe không phải là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đàm phán với Nga về việc này và ông Putin cũng không phải lần đầu tiên đàm phán về nội dung ấy với lãnh đạo Nhật Bản. Trong 6 năm qua, ông Putin và ông Abe đã gặp nhau 25 lần và lần gặp nhau nào cũng có bàn thảo về cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình. Nét mới ở lần này là Nga và Nhật Bản đàm phán dựa trên nền tảng là bản tuyên bố chung giữa Liên Xô và Nhật Bản năm 1956. Khi gặp nhau năm ngoái ở Singapore, ông Putin và ông Abe nhất trí với nhau là tiến hành đàm phán về hiệp ước hòa bình trên cơ sở tuyên bố này, hàm ý về Điểm 9 trong ấy với nội dung là Liên Xô sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản sẽ chuyển giao cho Nhật Bản 2 trong số 4 hòn đảo ấy. Khi xưa, vì Nhật Bản chứ không phải vì Liên Xô mà tuyên bố chung này không được thực hiện.

Nga và Nhật Bản bây giờ khôi phục ý tưởng giải pháp xưa, thể hiện thiện chí và quyết tâm khắc phục bất đồng, vượt qua trở ngại, giải quyết vấn đề vướng mắc và ký kết hiệp ước hòa bình. Chuyến đi Nga lần này của ông Abe và chuyến thăm Nhật Bản tới đây của ông Putin có ý nghĩa và tác động rất tích cực và quan trọng ở chỗ đó. Việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất nan giải nhưng rõ ràng ông Putin và ông Abe đã cùng nhau xác định là dẫu có khó đến mấy cũng vẫn phải nỗ lực tìm cách giải quyết. Cứ phải khởi hành thì cuộc hành trình mới có ngày đến đích. Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy tuy chưa đạt được thêm tiến triển cụ thể nào nhưng chuyến thăm Nga này của ông Abe cũng không hề bị thất bại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần