Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó “ghìm cương” lạm phát?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu từ bên ngoài; giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng cao; các nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực đối mặt với lạm phát phi mã, nên việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam có ý nghĩa rất lớn.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021. 

Kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả là một nhiệm vụ quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả là một nhiệm vụ quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

CPI 5 tháng hiện còn thấp

Theo các chuyên gia, CPI 5 tháng tại Việt Nam vẫn còn thấp được nhận diện dưới các góc độ khác nhau. Ở góc độ thứ nhất, xét theo thời gian, nếu tính theo tháng (tháng sau so với tháng trước), trong 5 tháng có 2 tháng tăng thấp (tháng 1 tăng 0,19%, tháng 4 tăng 0,18%), có 3 tháng tăng cao (tháng 2 tăng 1%, tháng 3 tăng 0,7%, tháng 5 tăng 0,38%).

Nếu xét theo sau 1 năm (tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm trước), tăng 2,86%. Nếu tính sau 5 tháng (tháng 5/2022 so với tháng 12/2021) tăng 2,48%. Nếu tính bình quân 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu tính theo cách này), còn thấp xa so với mục tiêu cả năm.

Ở góc độ thứ hai, xét theo CPI bình quân 5 tháng so với cùng kỳ của các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, trong 11 nhóm, chỉ có 2 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung gồm: Giao thông tăng 16,65%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,66%. Có 7 nhóm tăng thấp, 2 nhóm giảm (bưu chính viễn thông giảm 0,56%, giáo dục giảm 2,96%).

Trong 7 nhóm tăng thấp hơn đáng lưu ý có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (33,56%) chỉ tăng 0,61%, trong đó thực phẩm (chiếm 21,28%) giảm 0,73%.

Ở góc độ thứ ba, so sánh CPI tháng 5 so với cùng kỳ của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cao nhất trong mấy chục năm, vượt xa so với mức định hướng, cao hơn nhiều của Việt Nam.

Ở góc độ các yếu tố của lạm phát chưa gây áp lực lớn. Tổng cầu tuy tăng lên nhưng vẫn còn yếu. Nhập khẩu giá tiếp tục tăng cao nhưng chủ yếu chuyển vào chi phí sản xuất, chưa gây áp lực lớn đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Yếu tố tài khóa, tiền tệ chưa gây áp lực lớn, khi ngân sách bội chi, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, nhất là gói cấp bù lãi suất còn đang triển khai; đặc biệt tỷ giá VND/USD tiếp tục giảm (0,49%).

Vẫn còn nhiều thách thức

Những dấu hiệu CPI tăng cao đã xuất hiện ngay trong 5 tháng đầu năm. Trong 5 tháng có 3 tháng tăng cao, trong đó đáng lưu ý tháng 3, tháng 5 theo thông lệ trong nhiều năm qua thường tăng thấp, thậm chí giảm.

Các yếu tố tác động đến lạm phát trong 7 tháng còn lại đã có diễn biến hoặc đổi chiều so với 5 tháng đầu năm. Cụ thể, yếu tố cầu kéo đã tăng lên qua các tháng trong 5 tháng đầu năm sẽ tăng tốc trong 7 tháng còn lại do nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do bị dồn nén trong nhiều tháng vì đại dịch, nay tăng tốc do tỷ trọng tiêu dùng thông qua tự cấp, tự túc không những không tăng như trong đại dịch mà sẽ có xu hướng giảm xuống, cùng với sự tăng lên tương ứng của tỷ trọng tiêu dùng thông qua việc mua bán trên thị trường (tổng mức bán lẻ - TMBL). Tức là tốc độ tăng TMBL sẽ phục hồi, ở cả 4 ngành cụ thể, kể cả bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác, đặc biệt là các khoản dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành. Đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư công sẽ có quy mô và tốc độ tăng cao lên.

Yếu tố chi phí đẩy bao gồm cả giá nhập khẩu tiếp tục tăng lên (nhập khẩu lạm phát); chi phí sản xuất tăng cao trong thời gian trước, nhưng chưa chuyển vào giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (CPI) trong thời gian trước, nay sẽ chuyển vào CPI. Giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, nhưng tính bằng VND nay sẽ tăng kép khi tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trước sức ép tăng lãi suất đồng USD và để Việt Nam khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, để tiếp tục xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp.

Yếu tố tài khóa - tiền tệ cũng có xu hướng đổi chiều khi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất sẽ kéo theo 1 triệu tỷ đồng tín dụng (trong 6 tháng cuối năm) ra lưu thông, tạo áp lực lên CPI. Nếu tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm cho giá nhập khẩu VND/USD tăng). Đó là chưa kể lượng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng do vẫn còn bị đứt gãy, trong khi nhu cầu lượng nhập khẩu tăng.

Sự chuyển dịch dòng tiền từ các thị trường có xu hướng chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cũng tạo sức ép cho CPI. Bội thu ngân sách sẽ khó giữ được như đầu năm do cấp bù lãi suất, do giảm thuế, phí xăng dầu…

Khi lạm phát tăng thì yếu tố tâm lý cũng bị ảnh hưởng, vòng quay tiền tệ tăng, tâm lý găm giữ hàng hóa, vàng, USD tăng. Những yếu tố trên sẽ tạo sức ép và làm cho CPI cả năm sẽ tăng cao hơn mục tiêu. Hiện nhiều dự báo cho thấy khả năng CPI bình quân năm 2022 sẽ ở mức trên 5,5%.