Nhiều nỗi lo
Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái bình thường mới, nền kinh tế đang từng bước hồi phục. Với tín hiệu lạc quan của thị trường bất động sản, hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực này phục hồi rõ nét. Nhiều tín hiệu khởi sắc đã thúc đẩy ngành xây dựng phát triển theo. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án tác động tích cực đến nhóm DN thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng.
Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, dưới sự tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, dẫn tới đội giá thành công trình, định mức đơn giá mời thầu không còn phù hợp, lợi nhuận của ngành xây dựng bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông và có trình độ cao trong ngành xây dựng là một vấn đề nan giải cho các DN.
Theo Giám đốc Công ty CP COPLAN Phó Thanh Tùng, khoảng thời gian hiện tại đang khá khó khăn cho các DN xây dựng khi giá thành nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên, đây chỉ là tình thế tạm thời, giá xây dựng cơ bản sẽ có xu hướng giảm nhẹ trong quý tới.
"Về nhân lực, ngoài việc tìm kiếm nguồn nhân lực mới sẽ rất cạnh tranh, COPLAN cũng triển khai xây dựng chế tài, quy chế đảm bảo phúc lợi cho người lao động để từng cá nhân yên tâm công tác. Đồng thời chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho thợ, tạo điều kiện để có thể sống được bằng nghề, từ đó gắn bó với DN" - ông Tùng chia sẻ.
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Đơn cử, giá thép thường chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị dự án nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực lớn cho nhà thầu.
Cần gói vay dài hơi
Mặc dù nhiều ngân hàng đã triển khai cung cấp các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính, hướng đến nhóm khách hàng là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp để đảm bảo nguồn vốn được thông suốt trong quá trình thực hiện... nhưng không nhiều DN mặn mà. Nhiều ý kiến cho rằng, những gói vay hỗ trợ còn khó tiếp cận, lượng vốn giải ngân ít, thời gian ngắn khi thời hạn tối đa 12 tháng.
Ông Phó Thanh Tùng cho rằng, chỉ những gói vay dài hạn, với lãi suất hấp dẫn mới giúp ích được cho DN ngành xây dựng. Để thu hút được DN, thực tế cần nguồn vốn ngắn hạn, trung dài hạn rất lớn cho ngành xây dựng và thời gian cho vay dài vì các dự án triển khai thường kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, cần nhất là chính sách, hành lang pháp lý để khơi thông dòng vốn, tạo ra sức mạnh cộng hưởng, mang lại giá trị bền vững cho mỗi bên.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tuấn Linh - Công ty Xây dựng Module 9 cho biết, sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng sẽ là đòn bẩy để DN xây dựng làm đầy nguồn vốn, tăng khả năng cạnh tranh và không bị động. Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế đặc biệt, các DN bị nợ xấu sẽ không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu.
Đại diện một số DN xây dựng thông tin, không chỉ giá sắt, thép, hai tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, cước phí vận chuyển tăng nên giá tất cả các nguyên vật liệu xây dựng đều tăng cao. Hàng loạt công trình đều chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá vật liệu. Trước vấn đề này, DN xây dựng kiến nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp ổn định giá vật liệu xây dựng. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính, có thêm những gói vay ưu đãi thiết thực.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm quý I/2022, trong tổng số 50,0 triệu lao động có việc làm, tính riêng trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. So với quý trước đó, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 82.700 người nhưng tăng 661.300 người so với cùng kỳ năm trước.