Khó nhân rộng mô hình VietGAP

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuẩn hóa trồng trọt theo hướng VietGAP giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng được những vùng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, vẫn còn không ít việc cần làm.

Nông dân chăm sóc rau VietGAP trên cánh đồng xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Ảnh Lâm Nguyễn
Nông dân chăm sóc rau VietGAP trên cánh đồng xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Ảnh Lâm Nguyễn

Đa dạng loại hình canh tác

Khai thác tiềm năng vùng đất trũng thuộc thôn Yên Thịnh (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì), ông Phùng Minh Lâm đã thuê gom diện tích các hộ dân không sản xuất, đầu tư trồng cây sen trên quy mô gần 2ha. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Sơn Đà, từ năm 2022, ông Lâm chuyển dần sang trồng sen theo hướng VietGAP.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Đà Vũ Thị Thắm cho biết, ngoài ông Lâm, Hội đang hướng dẫn một số hộ khác phát triển vùng trồng sen theo hướng VietGAP, với tổng quy mô trên 15ha. Không chỉ hỗ trợ phổ biến kỹ thuật, Hội Nông dân xã Sơn Đà còn phối hợp với hợp tác xã tổ chức chế biến, đóng gói và hút chân không, giúp nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cho các sản phẩm từ sen.

Thành lập hơn 6 năm trước, Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) đã phát triển được 15ha các loại trái cây theo hướng VietGAP, chủ yếu là ổi Đài Loan, đu đủ, táo, bưởi. Mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch hàng trăm tấn trái cây các loại cung ứng cho thị trường.

Nhờ chuẩn hóa sản xuất theo hướng VietGAP, trái cây của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng 3 - 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường.

Đây chỉ là hai trong số những mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn Hà Nội. Tính riêng trong năm 2022, đã có 22 mô hình trồng trọt với quy mô hơn 125ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đáng chú ý, các mô hình canh tác theo hướng VietGAP hiện nay khá đa dạng. Ngoài sản phẩm phổ biến là lúa và các loại rau củ, còn có nấm, chanh leo và nhiều loại trái cây như: Bưởi, nho, ổi, táo...

Tiêu thụ còn nhiều khó khăn

Việc được chứng nhận là vùng canh tác VietGAP tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể chuẩn hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận sâu rộng thị trường. Dù vậy, việc nhân rộng những vùng canh tác theo hướng VietGAP không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân quan trọng, theo Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Tiến Thịnh, sản phẩm VietGAP vẫn khó tiếp cận với hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện ích... khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

“Các sản phẩm rau củ quả sản xuất theo hướng VietGAP nếu bán lẻ ngoài chợ hoặc đổ cho thương lái mua buôn thì giá trị không quá chênh lệch so với sản phẩm tạo ra từ phương thức canh tác truyền thống. Điều này khiến một bộ phận người dân không mấy mặn mà, nhất là khi phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt về thực hành nông nghiệp tốt” - ông Thịnh đánh giá.

Thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội, những diện tích canh tác theo hướng VietGAP do các hợp tác xã quản lý sản xuất chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, vai trò bao tiêu, kết nối tiêu thụ sản phẩm VietGAP trồng trọt cho thành viên của các hợp tác xã là chưa nhiều. “Hiện nay, hợp tác xã mới hỗ trợ tiêu thụ được khoảng 10% tổng sản lượng rau của thành viên. Về cơ bản các thành viên vẫn phải tự tiêu thụ, kể cả đối với những diện tích canh tác theo hướng VietGAP” - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, để thúc đẩy phát triển các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản với các tổ chức, DN trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, TP lân cận. Thông qua các chương trình, nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giữa các chủ thể sản xuất VietGAP của Hà Nội và đơn vị tiêu thụ đã được ký kết.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, trong năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi các vùng sản xuất truyền thống sang canh tác theo hướng VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ thể sản xuất - kinh doanh, cũng như người tiêu dùng về ý nghĩa của việc sử dụng những sản phẩm trồng trọt VietGAP đối với an toàn sức khỏe.

 

Năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội dự kiến hỗ trợ chứng nhận thực hành sản xuất tốt (VietGAP) đối với 33 cơ sở trồng trọt. Trong số này, có 12 cơ sở quy mô nhỏ (dưới 2ha), 12 cơ sở quy mô trung bình (từ 2 - 5ha) và 9 cơ sở quy mô lớn (từ 5ha trở lên).

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần