Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó phản ánh đúng thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội trong việc triển khai xây dựng chỉ số đánh giá thị trường bất động sản. Theo đó, bước đầu Hà Nội chỉ công bố các chỉ số cho 4 quận gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy và 2 huyện Từ Liêm và Hoài Đức.

Công bố vào quý I/2013

Theo công văn của Bộ Xây dựng về triển khai xây dựng chỉ số đánh giá thị trường bất động sản. Tại Hà Nội, có 6 quận, huyện được chọn để làm bước đầu là những nơi có số lượng giao dịch lớn. Để chuẩn bị cho việc này, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành khảo sát tình hình giao dịch trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, có tới gần 10 địa phương, trong đó có Tây Hồ và Hoàn Kiếm hoàn toàn không ghi nhận được giao dịch nào từ phía các sàn giao dịch cũng như cơ quan thuế. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, theo dõi tình hình giao dịch thị trường để công bố cho các khu vực còn lại.

Về loại chỉ số công bố và thời điểm công bố, Bộ Xây dựng cho biết, ngoài những chỉ số mà Sở Xây dựng đề xuất công bố đến hết năm 2013, Bộ đề nghị Sở nghiên cứu để có thể công bố chỉ số giá nhà ở để bán đối với nhà ở riêng lẻ trong các dự án khu đô thị và các dự án nhà ở. Thời điểm công bố chỉ số đánh giá thị trường bất động sản lần đầu tiên nên bắt đầu từ quý I/2013, để thuận tiện cho việc tổng kết biến động giá cả năm 2013. Các chỉ số khác, Sở cần có lộ trình sớm công bố. Về biểu mẫu thu thập số liệu, phân hạng chung cư để xác định chỉ số, Bộ yêu cầu Sở Xây dựng căn cứ theo tình hình thực tế của địa phương xây dựng tiêu chí để phân hạng chung cư phục vụ việc xác định chỉ số cho phù hợp với mục tiêu quản lý của địa phương.

Khó phản ánh đúng thị trường - Ảnh 1
Quận Đống Đa - một trong 4 quận sẽ được thành phố xây dựng chỉ số giá bất động sản. Ảnh:  Hải Linh

Chọn 6 quận, huyện “sôi động” nhất

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất cần phải thí điểm xây dựng chỉ số giá bất động sản tại 6 quận, huyện trên địa bàn gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông và 2 huyện Hoài Đức, Từ Liêm, với phân khúc áp dụng là nhà chung cư trong các dự án. Qua khảo sát, Sở Xây dựng đã đưa ra được một "bức tranh" sơ bộ về tình hình giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, số lượng giao dịch khảo sát chưa tổng hợp được các số liệu thực tế đã phát sinh do các giao dịch này không (hoặc chưa) qua sàn giao dịch hay nộp thuế tại cơ quan thuế theo quy định. Ngay cả số lượng giao dịch tổng hợp từ các sàn giao dịch và cơ quan thuế cũng chưa khẳng định được tính chính xác về thông tin do số liệu kê khai của các sàn chưa được kiểm chứng, số liệu có độ trễ do các sàn chưa tổng hợp khi có giao dịch hoặc chưa gửi báo cáo. Nhiều giao dịch mua bán bất động sản không phải qua sàn đồng thời cũng chưa tới thời điểm nộp thuế, nên cũng chưa được ghi nhận tại cơ quan thuế.

Tại Hà Nội, việc phân loại các sản phẩm bất động sản theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã gặp một số khó khăn. Đơn cử, với căn hộ chung cư, theo quy định hiện hành được phân thành 4 hạng nhưng thực tế ngay cả các cơ quan chuyên môn cũng lúng túng khi xếp hạng chung cư. Nguyên tắc "phản ánh đầy đủ, kịp thời, phản ánh sát" khi xây dựng chỉ số giá bất động sản được đánh giá là chưa khả thi bởi giao dịch ngầm còn chiếm đa số. Bên cạnh đó, Hà Nội còn một đặc thù riêng, là thành phố có cả miền núi, nông thôn và đô thị, do vậy khó phản ánh đúng thị trường khi xây dựng một chỉ số chung.

Theo số liệu khảo sát của Sở Xây dựng, trong năm 2011, tại Hà Nội, số lượng giao dịch nhà chung cư không qua sàn 1.040 giao dịch; trong khi số giao dịch thực hiện qua sàn chỉ có 46. Số liệu này được ghi nhận trong quý I/2012 tương ứng là 842 và 37. Đối với giao dịch nhà riêng lẻ, biệt thự, liền kề, trong năm 2011, có 5.694 giao dịch không qua sàn, 41 giao dịch qua sàn. Trong quý I/2012 số liệu được ghi nhận có 2.203 giao dịch không qua sàn và 27 giao dịch qua sàn.