“Lách luật” dựng ki ốt
Ngày 19/8, Sở GTVT đã ra Văn bản số 2354/SGTVT-GTĐT thông báo tuyệt đối không cấp phép cho bất cứ cá nhân, đơn vị nào dựng ki ốt bán bánh trên vỉa hè để đảm bảo giữ gìn trật tự văn minh đô thị. Thế nhưng, trên thực tế, những tiệm bánh mini vẫn mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt trên những tuyến phố chính đông người qua lại như Tố Hữu, Phạm Hùng, Quán Sứ, Nguyễn Trãi, Lê Đức Thọ…, gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người và phương tiện.
Lý giải tình trạng này, đại diện Sở GTVT cho biết, theo phân cấp của TP, Sở chỉ quản lý 88 tuyến phố, các tuyến còn lại thuộc quyền quản lý của chính quyền quận, huyện sở tại. Việc UBND các quận, huyện cấp phép cho bày bán bánh trên vỉa hè thuộc quyền quản lý của mình, Sở không thể cấm hay xử lý, mà chỉ có thể tổng hợp, đánh giá rồi báo cáo lãnh đạo TP để có ý kiến chỉ đạo.
Mặt khác, ngay các quận, huyện cũng có sự bất đồng về vấn đề này, đơn cử như 2 quận sát kề nhau là Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Ông Lê Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm cho biết: “Năm nay, quận tuyệt đối chưa cấp phép cho bất cứ cửa hàng nào bày bán bánh Trung thu trên vỉa hè”. Trong khi đó, UBND quận Thanh Xuân vẫn cấp phép cho nhiều tiểu thương dựng ki ốt bán bánh Trung thu từ nhiều ngày qua, thậm chí là tại những nơi vỉa hè chật hẹp như trên đường Thượng Đình, phường Thượng Đình.
Bên cạnh đó, các tiểu thương còn lách luật, trực tiếp thuê phần sân, hè của các tòa nhà cao tầng, chung cư trên các mặt phố để bày bán bánh. Ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm cho biết: “Các ki ốt nằm trên phần đất của hộ gia đình hoặc khu chung cư nên chỉ cần được chủ đất hoặc Ban quản lý chung cư đồng thuận là được”.
Như vậy, các tiểu thương đã tìm được những kẽ hở đắc dụng trong việc phân cấp, phân quyền quản lý hè phố để vừa không phải xin phép cơ quan chức năng, vừa không phải nộp bất cứ khoản thuế, phí nào ngoài tiền thuê mặt bằng ngắn hạn.
Xuất xứ và chất lượng chưa rõ ràng
Ghé vào một ki ốt bánh mang thương hiệu Kinh Đô trên đường Láng Hạ, khi hỏi về chứng nhận VSATTP của bánh Trung thu, chúng tôi nhận được từ nhân viên bán hàng cả một cuốn sổ các loại chứng chỉ, nhưng đều là bản sao không có dấu đỏ hay xác nhận của bất cứ cơ quan chức năng nào. Hỏi thêm về chứng nhận của chính quyền sở tại thì nhân viên lắc đầu cười: “Bánh thương hiệu lớn, đảm bảo mà, việc gì phải hỏi kỹ thế”.
Trên thực tế, nỗi lo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và độ an toàn của bánh Trung thu bày bán tràn lan tại vỉa hè chính là một trong những nguyên nhân khiến Sở GTVT không cấp phép bán bánh trong năm nay. Ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT nói: “Những ki ốt này, nay dựng mai dỡ, người dân mua bánh về sử dụng chẳng may gặp vấn đề gì thì biết tìm họ ở đâu mà quy trách nhiệm. Chúng tôi muốn ngăn ngừa triệt để nguy cơ về VSATTP cho người dân nên kiên quyết không cấp phép”.
Đúng như lời nhận xét, hiện có hàng trăm, hàng ngàn ki ốt bán bánh trên vỉa hè với đủ loại thương hiệu khác nhau, việc quản lý xuất xứ, chất lượng của từng nơi hẳn còn đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan chức năng. Tình trạng lách luật, dựng ki ốt không xin phép chính quyền cũng là một tác nhân gây khó khăn cho khâu quản lý VSATTP đối với bánh Trung thu.
Mặt khác, rất nhiều tiểu thương phải đầu tư lớn để mở cửa hàng, xây dựng thương hiệu trong một thời gian dài, phải nộp thuế cũng như đáp ứng các tiêu chí về VSATTP do cơ quan chức năng quy định. Sẽ là không công bằng nếu họ phải chia sẻ thị phần với những đối thủ cạnh tranh đang cố tình “nhập nhằng” cả về tiêu chuẩn lẫn tiêu chí kinh doanh như vậy.
Đã đến lúc chính quyền các quận, huyện, đặc biệt là khu vực nội thành cần rà soát, đánh giá lại tác động của những ki ốt bánh Trung thu vỉa hè đến trật tự, văn minh đô thị cũng như ATGT trên các tuyến phố, đồng thời có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng bánh, đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng.
![]() Một dãy ki ốt bán bánh Trung thu trên phố Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: PHạm Hùng
|