Khó thay đổi nếu vẫn giữ tư duy cũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong những hạn chế nổi bật trong cơ chế phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hiện nay đó là mới chú ý giải quyết một hoặc vài mục tiêu vĩ mô như: Lạm phát, tăng trưởng, xuất nhập khẩu, tỷ giá… mà chưa tập trung giải quyết đồng bộ tất cả các mục tiêu này.

Bất cập trong cơ chế  phối hợp

Theo ông Lưu Đức Hải, Trưởng ban Phát triển các ngành sản xuất, Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH & ĐT, mặc dù đã có hệ thống văn bản pháp lý quy định khá chặt chẽ công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô song thực tế sự phối hợp trong nhiều trường hợp chưa thật nhịp nhàng về liều lượng, kịp thời và đồng bộ. Nhiều trường hợp bộ, ngành, địa phương ban hành các quyết định chỉ có lợi cho mình. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa chủ trương thị trường hóa một số sản phẩm dịch vụ và chính sách an sinh xã hội chưa được hài hòa dẫn đến việc Nhà nước phải bỏ tiền trợ giá mà doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, khó đánh giá được hiệu quả kinh doanh thực sự.

Tại hội thảo "Đổi mới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) vừa tổ chức, các chuyên gia đã cùng thẳng thắn nhìn nhận, chính "độ vênh" trong nhận thức về cơ chế là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất cập nêu trên. Đa số các cấp quản lý mới tập trung phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, mà chưa thấy tầm quan trọng của việc phối hợp với các chính sách thương mại, chính sách công nghiệp…

Tập trung đến tầm nhìn dài hạn

Ông Trần Xuân Lịch, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của các cơ quan quản lý T.Ư và địa phương là giải pháp đầu tiên. Theo đó, tư duy phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô phải đối mới theo hướng chú trọng hơn đến việc tạo lập môi trường vĩ mô và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển; Tập trung đến tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để huy động và phân bổ hợp lý nguồn lực của xã hội.

"Trước mắt cần quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp, đảm bảo một việc không có nhiều hơn một cơ quan chịu trách nhiệm chính" - ông Lưu Đức Hải khuyến nghị. Ngoài ra, việc thành lập một Ủy ban chuyên trách về phối hợp, có năng lực, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện vai trò điều phối các nội dung phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô là rất cần thiết. Theo một số chuyên gia, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có thể đảm đương nhiệm vụ này sau khi được cải tổ để trở thành một cơ quan chuyên trách về phản biện, giảm sát các chính sách vĩ mô của đất nước.