"Khó thực hiện vì chưa phù hợp tình hình thực tiễn"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 9.11, Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo lần 4 về thông tư liên tịch hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

KTĐT - Ngày 9.11, Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo lần 4 về thông tư liên tịch hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Nhiều giáo viên, phụ huynh đã lập tức lên tiếng về những nội dung hướng dẫn mà bộ dự kiến.

Lớp học... trong mơ

Dự thảo quy định, biên chế giáo viên đối với nhóm trẻ cụ thể là: Nhóm trẻ của độ tuổi từ 3 đến 12 tháng tuổi có không quá 4 cháu/cô và không quá 15 trẻ/nhóm; Nhóm trẻ của độ tuổi từ 13 đến 24 tháng tuổi có không quá 10 cháu/cô và không quá 20 cháu/nhóm; Nhóm trẻ của độ tuổi từ 25 đến 36 tháng tuổi có không quá 15 cháu/cô và không quá 25 cháu/nhóm.

Đối với lớp mẫu giáo học một buổi trong ngày: 1,5 giáo viên/lớp; lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi có không quá 25 trẻ/lớp; lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi có không quá 30 trẻ/lớp; lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi có không quá 35 trẻ/lớp.

Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày: 2,5 giáo viên/lớp; lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi có không quá 25 trẻ/lớp; lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi có không quá 30 trẻ/lớp; lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi có không quá 35 trẻ/lớp.

Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tổ chức giáo dục hòa nhập, cứ 5 trẻ khuyết tật được bố trí thêm 1 biên chế giáo viên để tính kinh phí bổ sung vào quỹ lương chi trả cho người trực tiếp làm nhiệm vụ này.

Đối với giáo viên được cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ theo kế hoạch hoặc nữ giáo viên còn trong độ tuổi sinh con theo quy định, thời gian đi học tập, bồi dưỡng hoặc nghỉ thai sản được tính để bổ sung thêm quỹ lương chi trả cho người trực tiếp dạy thay.

Bất khả thi?

Hầu hết phụ huynh khi được hỏi ý kiến đều có nhận xét “Bộ không đi sâu vào thực tiễn”. Chị Lê Trang - có con sắp lên 3 tuổi, đang trên “hành trình” tìm lớp cho con - cũng cho rằng: “Ở Hà Nội lấy đâu ra trường mẫu giáo công lập 25 trẻ/lớp? Nếu có chắc phải trường ngoài công lập, nhưng chúng tôi cũng không có tiền cho cháu học lớp này”. Một phụ huynh có con học Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Cháu học lớp nhà trẻ có 80 cháu, diện tích lớp 40 - 50m2, có 3 cô giáo. Tôi thấy tình hình chung là tất cả các trường mầm non công lập cũng như dân lập đều thiếu diện tích và giáo viên theo đúng tiêu chuẩn”.

Kể cả khi đây là tiêu chí để các trường phấn đấu thì dường như sự phấn đấu này cũng... còn lâu mới có kết quả. Chị Lê Trang đặt câu hỏi: “Nếu chỉ lấy 25 trẻ 1 lớp ở độ tuổi 3 - 4 tuổi thì số trẻ còn lại sẽ học ở đâu? Bộ GDĐT có chủ trương quy định học 25 - 30 cháu 1 lớp thì cũng nên có biện pháp khắc phục cho tất cả các cháu được học.

Đứng từ phía nhà trường, một giáo viên Trường Mầm non thực nghiệm Hoa Sen (Hà Nội) cũng nhận xét trường công lập nào bây giờ cũng quá tải, “trường tôi cũng tới 50 cháu/lớp, tôi chỉ mong khoảng 35 cháu/lớp là đã mừng lắm rồi mà Bộ GDĐT còn đề ra là 25 cháu/lớp. Nếu thông tư có hiệu lực thì việc kiểm tra các trường mầm non công lập có được tiến hành không? Nếu vi phạm thì bị xử phạt thế nào? Và chúng tôi sẽ phải xử trí thế nào đối với số học sinh bị dôi ra?”.

Cô Nguyễn Thái Thuận - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - nhận xét: “Quy định này nếu đưa ra sẽ rất khó thực hiện vì chưa phù hợp tình hình thực tiễn, ngay cả các trường lớn hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trường tư thì học phí cao, nên các phụ huynh đều mong muốn cho con em vào học trường công. Nhu cầu nhiều, nếu không nhận các cháu thì đẩy các cháu đi đâu?”. Cô Thuận cũng cho biết, cô chưa bao giờ nhận được những dự thảo như thế này để góp ý kiến, mà chỉ nhận được những quy định khi đã ban hành.