70 năm giải phóng Thủ đô

Hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau 5 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 98) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay, các DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nội vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Nhiều bất cập

Tại các diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các huyện tổ chức, nhiều đại diện HTX, chủ DN chia sẻ, sau 5 năm triển khai, Nghị định số 98 vẫn nhiều bất cập. Với cơ chế hỗ trợ sau đầu tư như Nghị định số 98 quy định, đòi hỏi chủ trì tham gia liên kết phải có đủ năng lực tài chính. Mức hỗ trợ cho trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng sản xuất chỉ tối đa 30% chi phí, tức là các HTX phải đối ứng tới 70%. Điều này là khó khả thi đối với mô hình kinh tế tập thể.

Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) cho hay, các nội dung hỗ trợ của chuỗi chủ yếu là hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ trực tiếp sản xuất. Còn DN, HTX chủ trì liên kết không được hưởng, chỉ được hưởng lợi khi cung ứng giống, vật tư và thu mua sản phẩm, nhưng lại chậm được thanh toán phần kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ (sau ít nhất 3 vụ, tương ứng từ 1 - 2 năm đối với từng loại sản phẩm). Do chậm được thanh toán kinh phí hỗ trợ, dẫn đến việc cung ứng giống, vật tư không có lãi, thậm chí bị lỗ khi có biến động tăng giá, khiến các DN, HTX càng thêm khó khăn.

Là một trong những HTX lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện hoạt động khá hiệu quả, song HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cũng chưa thể tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị định 98. Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, hồ sơ để đề xuất hưởng hỗ trợ rất phức tạp.

Đơn cử như, Nghị định 98 cũng chưa nêu rõ nguồn kinh phí hỗ trợ hạ tầng bằng nguồn đầu tư hay nguồn kinh phí sự nghiệp. HTX có thể được hưởng 100% chi phí tư vấn liên kết (tối đa là 300 triệu đồng) bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn xây dựng dự án liên kết. Tuy nhiên, HTX rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, nhất là đơn vị tư vấn có năng lực.

Điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn

Khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện tại, phần lớn HTX của TP vẫn chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, bởi các dự án liên kết thường thực hiện theo giai đoạn 3 - 5 năm. Trong khi đó, việc quy định chi, hình thức chi và nguồn vốn dành cho việc hỗ trợ thường được đăng ký, phân bổ từng năm dẫn đến việc giải ngân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động nên các HTX vẫn e dè ký hợp đồng lâu dài với nông dân.

Đề xuất giải pháp đưa Nghị định 98 vào thực tiễn, nhiều DN, HTX kiến nghị, Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan chức năng của TP hỗ trợ DN, HTX trong khâu hoàn thành các thủ tục để sớm được hưởng chính sách. Bên cạnh đó, Sở cần kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ xem xét giảm quy định thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm xuống còn 3 năm; có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ và bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách bảo đảm phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, Sở đang từng bước hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuỗi giá trị một cách đồng bộ, tạo cơ chế, chính sách theo Nghị định 98 nhằm hỗ trợ các HTX, DN, nông dân trong liên kết tiêu thụ nông sản. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản.

 

Các huyện, thị xã cần tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các chủ thể đã có hoặc đang xây dựng liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tích cực tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện nội dung đề xuất theo Nghị định 98, trình cơ quan chức năng thẩm định hỗ trợ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường