Khoa học, công nghệ đón “làn gió mới” từ Nghị quyết 57-NQ/TW
Kinhtedothi - Những đột phá từ Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia đã trở thành cuộc cách mạng mạnh mẽ về tư duy và hành động, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đột phá về tư duy, giải phóng sức sáng tạo
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia ra đời được ví như “khoán 10” trong khoa học công nghệ; là quyết sách chiến lược, đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Những đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từ Nghị quyết 57 như luồng gió mới thay đổi tư duy và hành động, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, mang đến những cơ hội tích cực thúc đẩy tăng trưởng, đưa đất nước phát triển bứt phá, trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 57 là Nghị quyết mang tầm vóc thời đại, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chiến lược, cách mạng, đồng thời là tiền đề để phát hiện những điều mới, khí thế mới, sung lực mới, tạo động lực cho toàn dân tộc chung tay góp sức đưa đất nước phát triển trong Kỷ nguyên mới. Một trong những điều kiện nổi bật của Nghị quyết 57 khẳng định rõ thể chế pháp luật là điều kiện tiên quyết và phải đưa thể chế thành một lợi thế cạnh trong trong phát triển khoa học công nghệ.
Nghị quyết 57 mang tính chiến lược, đột phá và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, việc xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực phát triển hàng đầu, là một định hướng đúng đắn và cần thiết, tạo nền tảng để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn chỉ ra 4 thay đổi quan trọng nhất của Nghị quyết 57. Thứ nhất là chuyển từ đầu tư công sang cơ chế thị trường, khuyến khích DN dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Thứ hai là tăng cường đầu tư tư nhân vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm và hợp tác công, tư. Thứ ba, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, giúp Việt Nam tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng. Thứ tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, tài chính và thị trường. “Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57 cùng các chính sách hỗ trợ DN tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra những thay đổi bước ngoặt, cơ hội lớn cho DN” – ông Đậu Tuấn Anh tin tưởng.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ, từ chính sách kinh tế, khoa học công nghệ đến quản trị DN. Những chính sách quan trọng như Nghị quyết 57 sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những nhiệm vụ then chốt hiện nay là phải rà soát và sửa đổi, bổ sung, đồng bộ tất cả các quy định pháp luật có liên quan. Không chỉ các luật liên quan trực tiếp đến khoa học công nghệ và chuyển đổi số, mà còn cần điều chỉnh pháp luật về đầu tư, tài chính, mua sắm công, tổ chức bộ máy và các lĩnh vực liên quan khác. Trong khi đó, Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, TS Lê Đức Anh bày tỏ, Nghị quyết 57 có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Nghị quyết xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên.
TS Lê Đức Anh chỉ ra một số ngành có tiềm năng đột phá nếu Việt Nam đầu tư chiến lược và tận dụng công nghệ hiệu quả như công nghệ thông tin và chuyển đổi số; công nghệ sản xuất và chế tạo, công nghệ bán dẫn; công nghệ sinh học và y tế; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao.
Từ góc độ DN, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và Ứng dụng AI tại FPT Digital Đoàn Hữu Hậu nhìn ra cơ hội, Nghị quyết 57 cho thấy định hướng phát triển công nghệ và công cụ để Việt Nam phát triển trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, công nghệ chuyển động nhanh và tác động toàn diện. Cơ hội đầu tư trong giai đoạn hiện nay, theo nhận định của ông Đoàn Hữu Hậu, không phụ thuộc vào nền tảng của các quốc gia khác vì AI đã xóa nhòa ranh giới. Do vậy, cùng với những quyết sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong phát triển công nghệ, DN cũng quyết liệt đầu tư cho công nghệ. Nghị quyết 57 kỳ vọng góp phần quan trọng hoàn thiện hành lang pháp lý là mô hình sandbox để thử nghiệm, sáng tạo, không sợ sai. Bối cảnh hiện nay đúng là thiên thời, địa lợi nhân hòa, cần hạ tầng cho AI, blockchain là hoàn thiện.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, năm 2025 là năm khởi đầu, định hình hướng đi và lộ trình triển khai các chính sách, sáng kiến nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả cho các năm tiếp theo. Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu gắn việc triển khai Nghị quyết số 57 đồng bộ với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là việc sắp xếp các cấp chính quyền đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư cũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, đặc biệt là Trung tâm dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về DN, cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai; phát triển các khu công nghệ cao và các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ bán dẫn; thiết lập sàn giao dịch công nghệ; mạnh dạn lựa chọn, nhân rộng việc ứng dụng các sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào thực tiễn, nhất là các sản phẩm, giải pháp đã cho thấy hiệu quả.

Khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân
Kinhtedothi - Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới là yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế.

Khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Kinhtedothi-Việc Thành ủy Hà Nội công bố áp dụng 8 ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP mới đây cho thấy quyết tâm của TP trong tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn Đảng bộ TP Hà Nội.

Chính phủ thảo luận về các dự luật doanh nghiệp, KHCN, đổi mới sáng tạo
Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025 để thảo luận và cho ý kiến đối với 6 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.