Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Không để bệnh nhân đau đớn

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không nổi bật về các kỹ thuật cao hay trang thiết bị hiện đại, song với những kỹ thuật đã làm chủ trong tay và tấm lòng tận tâm với người bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực - Đơn nguyên Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã chiếm trọn cảm tình của bệnh nhân đến điều trị.

Sẻ chia cùng người bệnh
Quay trở lại bệnh viện (BV) tái khám sau 5 tháng làm phẫu thuật do phình động mạch chân phải, gia đình bệnh nhân Nguyễn Quang H. (16 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) không quên lên tận Khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực để cảm ơn các bác sĩ và điều dưỡng tại đây. Bố H. kể, trước đó một bên chân của H. sưng to, đau nhức, không thể đi lại. Đưa con đến khám tại viện, H. được chẩn đoán phình động mạch chày trước chân phải nên được chuyển lên Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực để xử lý. Sau một tuần vào viện theo dõi, H. được phẫu thuật và ra viện sau đó 6 ngày. “Hai tuần nằm điều trị tại BV công mà cảm giác như ở BV tư, bác sĩ, y tá tận tình, chu đáo, phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng. Đến giờ cháu đã đi lại được bình thường, gia đình tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn các bác sĩ” - bố H. tâm sự.
 Trưởng Khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – Đơn nguyên Ung bướu Nguyễn Văn Trường khám cho bệnh nhân. Ảnh: Hà Ngân
Có tình cảm sâu nặng với tập thể cán bộ của khoa, chị Hồng - con gái của bệnh nhân Công Nghĩa H. (bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, nằm điều trị tại khoa 7 tháng và trút hơi thở cuối cùng tại BV đầu tháng 10/2018) hết lời khen ngợi sự tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa. “Các bác sĩ và điều dưỡng tại đây đã cùng bố tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác trong những ngày tháng cuối cuộc đời. Chỉ cần mỗi buổi sáng đi thăm giường bệnh, nhìn nét mặt của bố là bác sĩ cũng đoán được đêm qua ông ngủ ngon hay không, đau nhiều không. Khi ông vẫn còn đủ sức khỏe, đủ tỉnh táo, sau mỗi lần thăm bệnh, các bác sĩ đều không quên bắt tay động viên ông cố gắng, lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Mỗi cái bắt tay ấy là sự động viên lớn cho ông trong những tháng ngày ở viện” - chị Hồng chia sẻ.

Phát triển vì bệnh nhân

Trưởng khoa Nguyễn Văn Trường cho biết, thế mạnh của khoa là các phẫu thuật liên quan đến tuyến giáp, tuyến vú, phổi, tim và mạch máu. Đơn nguyên Ung bướu chú trọng nhiều đến vấn đề điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Cả khoa có 4 bác sĩ, 10 điều dưỡng và một hộ lý, 30 giường bệnh trong khoa luôn chật kín. Trung bình mỗi ngày, các bác sĩ trong khoa đều thực hiện 4 -5 ca phẫu thuật. Bác sĩ Trường kể, nhiều trường hợp bệnh nhân gặp tai nạn, gây gổ đánh nhau, đâm chém vào tim, phổi gây tổn thương phức tạp, các phẫu thuật này có khi kéo dài đến 6 - 7 tiếng. Chuyện ăn vội để mổ, lao vội từ nhà đến viện để cấp cứu cho bệnh nhân là chuyện thường ngày của bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây.

Điều dưỡng trưởng Bùi Thanh Nhàn chia sẻ, bệnh nhân trong khoa nhiều trường hợp trải qua nhiều đợt phẫu thuật nặng nên việc chăm sóc phải hết sức thận trọng. Chị em đều đã có gia đình và nhà xa BV nên ai nấy đều phải cố gắng gấp đôi sức mình để vừa hoàn thành việc cơ quan, vừa có thể lo chăm sóc cho gia đình. Đặc biệt, có tới 50% bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa là bệnh nhân ung thư. Theo chị Nhàn, không ít trường hợp đang đứng giữa cánh cửa sinh - tử, mọi hy vọng đều trở nên mong manh. Vì vậy, những bác sĩ, điều dưỡng của khoa luôn tâm sự, sẻ chia, động viên để tiếp thêm niềm tin cho người bệnh. "Họ đã đau về thể xác rồi, chúng tôi không muốn bệnh nhân của mình đau thêm về tinh thần" - chị Nhàn bộc bạch. Bên cạnh đó, tại các phòng bệnh đã được trang trí thêm cây xanh để tạo không gian gần gũi cho bệnh nhân.

Không có nhiều danh hiệu, nhưng những đóng góp lặng thầm của tập thể cán bộ bác sĩ Khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực - Đơn nguyên Ung bướu đã góp phần không nhỏ xây dựng hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong lòng người dân.