Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoán xe công: Kết quả chưa như mong đợi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Hiện việc khoán xe công đã có một số nơi thực hiện nhưng chưa nhiều và chưa mang lại kết quả như mong muốn" - ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính thừa nhận. Ông Cường cũng đã trao đổi với báo chí một số vấn đề xung quanh câu chuyện quản lý và sử dụng xe công.

KTĐT - "Hiện việc khoán xe công đã có một số nơi thực hiện nhưng chưa nhiều và chưa mang lại kết quả như mong muốn" - ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính thừa nhận. Ông Cường cũng đã trao đổi với báo chí một số vấn đề xung quanh câu chuyện quản lý và sử dụng xe công.

 

Trước đây, Quyết định 59/2007/QĐ-TTg có nhiều điểm quy định nhằm hạn chế việc mua sắm xe công tràn lan. Nhưng mới đây, Quyết định 61/2010/QĐ-TTg sửa đổi lại cho phép được thay thế xe cũ. Có sự mâu thuẫn nào ở đây không, thưa ông?

 

Có thể nói, trong một thời gian dài việc sử dụng xe công còn có nhiều mặt lỏng lẻo. Quyết định 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 ra đời nhằm siết chặt lại việc quản lý này. Việc tạm thời không cho thay thế xe cũ trong giai đoạn đó là nhằm mục đích chuyển xe từ nơi thừa sang nơi thiếu để thực hiện việc sắp xếp lại việc sử dụng xe công tại các cơ quan nhà nước và thực hiện việc khoán xe. Tuy nhiên, việc khoán xe cũng chưa mang lại kết quả như mong đợi, trong khi lại có quá nhiều xe cũ. Hiện tại xe của rất nhiều bộ, ngành, kể cả xe của lãnh đạo đang sử dụng đã vượt quá 10 năm khấu hao, cho nên Thủ tướng đã cho phép thay thế xe cũ hết hạn sử dụng để đáp ứng yêu cầu công tác. Như vậy, ở đây không có sự mâu thuẫn nào cả mà được thực hiện theo lộ trình, khi cần thì sắp xếp lại, sắp xếp xong rồi mới lại cho mua.

Ông vừa nói rằng, việc khoán xe công chưa mang lại kết quả như mong đợi. Có vẻ như, đây là một chủ trương chưa "được lòng" những người được thực hiện khoán xe?

 

Hiện, việc khoán xe công đã có một số nơi thực hiện nhưng chưa nhiều và chúng tôi cũng thừa nhận việc khoán xe này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Cục Quản lý công sản sẽ cùng Bộ Tài chính tổng kết lại tại các bộ, các địa phương để tìm ra lý do vì sao một việc có mục tiêu tốt, nguyên tắc rất đúng như thế nhưng khi áp dụng vào thực tế lại bị chậm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn. Ví dụ, để đưa đón một lãnh đạo từ sân bay Nội Bài, bình thường hiện nay tiêu chuẩn xe đi là 40 km chiều đi và 40 km chiều về, trong khi sử dụng dịch vụ taxi tại sân bay rất thuận tiện mà chỉ tính tiền 1 chiều thôi. Nếu thực hiện việc khoán xe tốt, việc đưa đón sẽ giảm hẳn. Xét về mặt xã hội đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí lại giảm tải giao thông trên đường… Còn rất nhiều sự tiện ích khác đang được chúng tôi tổng kết lại để xem còn gì trở ngại sẽ cố gắng sửa đổi để chủ trương này đi được vào cuộc sống.

 

Trở lại câu chuyện quản lý xe công, được biết, khó khăn lúc này là chuyện quản lý việc sử dụng xe công như thế nào cho hiệu quả. Vậy Cục Quản lý Công sản đã có những phương án gì để giải quyết vấn đề này?

 

Thực tế, từ khi có Quyết định 59/2007/QĐ-TTg, theo báo cáo từ các địa phương, việc mua xe đã thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức ở tuyệt đại bộ phận. Một vài trường hợp mua xe không đúng quy định đều xử lý được ngay. Để mua một chiếc xe mới theo định mức sẽ phải nằm trong dự toán ngân sách. Mà dự toán ngân sách này sẽ được các bộ, ngành, UBND xây dựng, sau đó trình Chính phủ, HĐND. Cho nên sẽ rất khó có thể sắm xe vượt tiêu chuẩn, chế độ. Ngoài ra, còn có sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, nếu nơi nào chi sai sẽ bị ách lại. Đó là chưa kể các đơn vị sau khi mua sắm còn bị kiểm toán. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đúng tiêu chuẩn hay không vẫn là mối quan ngại. Về cơ bản, việc sử dụng xe đã đúng tiêu chuẩn nhưng cũng có thông tin cho thấy ở nơi này, nơi kia sử dụng xe vẫn còn sai chế độ.

 

Để giải quyết được tình trạng này không phải chuyện một sớm một chiều. Vì thế, theo tôi, chúng ta nên kết hợp cả 3 phương pháp đó là vừa tuyên truyền, vừa giám sát, vừa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hơn nữa, sắp tới, việc khoán xe công sẽ phải được triển khai tích cực hơn cũng là một bước đẩy lùi việc sử dụng xe công sai mục đích.