Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoán xe công phải làm nghiêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 11/11, về việc khoán xe công, vấn đề...

Kinhtedothi - Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 11/11, về việc khoán xe công, vấn đề cắt giảm biên chế, sử dụng vốn DNNN… xung quanh nội dung Nghị quyết NS vừa được Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trước đây, vấn đề xe công và khoán xe công đã nói nhiều nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề này đi vào Nghị quyết Quốc hội.

Năm 2007 đã có một Nghị quyết về khoán xe công, nhưng không khả thi. Vậy lần này sẽ thực hiện khoán theo cách nào, thưa ông?

Khoán xe công phải làm nghiêm - Ảnh 1Tôi nghĩ lần này chắc chắn sẽ khả thi. Chính phủ và Quốc hội đã xác định phải cơ cấu lại thu chi NS, nhất là với chi thường xuyên. Chi thường xuyên thời gian qua tăng nhanh và chúng ta cũng đã có những thay đổi.

Cần phải có một lộ trình để thực hiện việc khoán xe công. Theo tôi, chúng ta phải loại ra, đối với những xe công mang tính chất công cộng, phục vụ như xe lực lượng công an, quân đội, cấp cứu… thì không thể thực hiện khoán được. Chủ yếu là những xe cho các chức danh lãnh đạo đang sử dụng thì phải tính toán. Phương án khoán xe phải tính toán áp dụng từ hệ số 1,3 (tương đương cấp Thứ trưởng) trở xuống và áp dụng từng bước, bắt đầu tư chức danh có hệ số 1,25. Việc đưa nội dung này vào Nghị quyết Quốc hội đã thể hiện cho thấy sự quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong vấn đề giảm chi thường xuyên.

Liên quan đến tăng lương, nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình thực hiện tăng lương phải giảm chi và biên chế thưa ông?

- Tiền lương là một câu chuyện rất quan trọng nhưng nếu muốn được tăng lương thì bản thân từng cơ quan đơn vị phải bố trí lại nguồn, những khoản chi khác không cần thiết, khánh tiết, hội nghị, lễ tân… phải chặt chẽ, ngay cả đi nước ngoài cũng phải hạn chế. Tất cả phải được thực hành...

Hiện nay, Chính phủ cho bán cả cổ phần vốn nhà nước ở những DN có lợi nhuận lớn để bù đắp, sau này, không còn những nguồn như vậy thì giải quyết thế nào, thưa ông?

- Cổ phần hóa là quá trình thực hiện nhiệm vụ thoái vốn của Nhà nước khỏi các DN để đầu tư vào một số DN then chốt, hết sức quan trọng mà các DN ngoài Nhà nước không đầu tư. Đây là việc cần thiết.

Tiền thoái vốn khi sử dụng phải đảm bảo nguyên tắc: trong số 40.000 tỷ đồng thoái vốn, Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng 10.000 tỷ vào để bù hụt thu ngân sách T.Ư, nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Riêng số tiền 30.000 tỷ đồng còn lại được đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Các đại biểu đề xuất nhiều vấn đề như bội chi NS giữ bằng số tuyệt đối năm 2015 và ổn định trong một số năm, trong các năm tới sẽ giảm chi thường xuyên bao nhiêu phần trăm thưa ông?  Giải pháp nào căn cơ để đảm bảo cân đối NSNN?

- ĐB Quốc hội đề xuất nhiều vấn đề như bội chi NS giữ bằng số tuyệt đối năm 2015 và ổn định trong một số năm. Tức là GDP vẫn tăng nhưng bội chi ổn định nên tỷ lệ sẽ giảm. Đề xuất nữa là chi thường xuyên giữ mặt bằng như trong năm 2015 - 2016 trong khi thu tăng lên, nên tỷ lệ chi thường xuyên cũng sẽ giảm. Dành phần còn lại cho đầu tư phát triển.

Chính sách tài khóa phải đảm bảo yêu cầu: Từ nay trở đi tất cả các khoản chi khi phát sinh mới phải cân đối được nguồn. Trước đây chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu, cứ đề xuất ra. Nay yêu cầu phải cân đối thu chi, phải đảm bảo có nguồn bù đắp thì mới được quyết định.

Tới đây chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn cách xây dựng dự toán NSNN. Chúng ta xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch vay nợ 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm. Trong xây dựng dự toán còn có xây dựng dự toán theo phương thức cuốn chiếu, là 1 năm dự toán, 2 năm dự báo, có nghĩa là 3 năm và có 2 cột dự báo dựa trên kế hoạch 5 năm. Ngay trong định hướng năm 2020, trần nợ công phải giảm nữa, không phải 65%/GDP và bội chi cũng phải giảm nữa, theo thông lệ quốc tế. Có như thế mới bảo đảm trong tương lai được.

Xin cảm ơn ông!