Khoảng 50% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học ngay đợt 1

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo Bộ GD&ĐT, dự kiến tỉ lệ nhập học đại học (đợt 1) năm 2023 sẽ tương tự như năm 2022 và có khoảng 50% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học.

Tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội làm thủ tục nhập học (Ảnh: HUST)
Tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội làm thủ tục nhập học (Ảnh: HUST)

Bộ GD&ĐT thông tin: Năm 2023, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Năm 2023, tỉ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT; năm 2022 tỉ lệ này là 61,34%. Tuy các tỉ lệ trên thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo thống kê, trong kỳ tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022). Dự kiến tỉ lệ nhập học sẽ tương tự như năm 2022 là khoảng 500.000 em. Như vậy, sẽ có khoảng 50% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học.

Quy trình tuyển sinh năm nay được giữ ổn định như năm 2022 với nhiều cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến 100%. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng đáng kể với gần 3,4 triệu nguyện vọng.

Khẳng định công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng mầm non 2023 được ghi nhận, đánh giá là điểm sáng của ngành giáo dục trên cơ sở ứng dụng triệt để của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT phải thừa nhận: Năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo; thậm chí việc xét tuyển sớm còn làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Đồng thời, các đơn vị cũng định hướng công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018.