Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoảng trống lớn trong kiểm soát rượu, bia

Nhật Uyên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế và DN đã có những tranh luận khá gay gắt về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia (RB). Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

 Một quán bia phục vụ khách hàng trên địa bàn phường Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng

Thưa ông, vừa qua, nhiều DN cho rằng, hiện nay có đến 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư... quy định về sản xuất, kinh doanh RB nhưng quản lý chưa tốt. Ông có thể lý giải về điều này?

- 85 văn bản liên quan đến công tác quản lý RB, nhưng đến nay chỉ 33 văn bản còn hiệu lực. Tuy nhiên, các văn bản này chủ yếu điều chỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến RB. Do đó, còn một khoảng trống rất lớn về các nội dung chưa được điều chỉnh, đặc biệt là các quy định mang tính phòng ngừa các tác hại của RB. Vì vậy, cần thiết phải có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ RB, kiểm soát việc cung cấp và giảm tác hại của RB.

Dự thảo đề xuất kết hợp Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và Quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một quỹ, như vậy có hợp lý không, thưa ông?

- Sử dụng RB và thuốc lá đều là các yếu tố nguy cơ chung và nguyên nhân gây mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường và đều là yếu tố gây gánh nặng bệnh tật lớn tại Việt Nam. Vì vậy, DN sản xuất, kinh doanh RB, thuốc lá phải có trách nhiệm chung đóng góp vào Quỹ nâng cao sức khỏe để giải quyết những căn bệnh do RB, thuốc lá gây ra.

Liệu có đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu về sức khỏe khi thực hiện quỹ này không, thưa ông?

- Có thể đánh giá được nhưng như bất kỳ một hoạt động can thiệp thay đổi hành vi nào cũng cần có thời gian. Hiệu quả tác động có thể đo lường được bằng nhiều chỉ số. Chỉ số cao nhất là sự thay đổi hành vi và những lợi ích liên quan đến sự thay đổi này (sức khỏe, kinh tế) thì lại cần có thời gian vì sự thay đổi hành vi không diễn ra ngay lập tức và hiệu quả về sức khỏe còn diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, có nhiều chỉ số khác có thể gián tiếp phản ánh hiệu quả, chẳng hạn sự thay đổi về nhận thức của người dân là bước thay đổi trung gian có thể đánh giá được sớm hơn.
  Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm quảng cáo RB không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn đến thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế Việt Nam?

- Hiện nay, dự thảo chỉ đề xuất hạn chế quảng cáo bia chứ không cấm quảng cáo. Các bằng chứng quốc tế cho thấy, quảng cáo bia là yếu tố thúc đẩy sử dụng bia lần đầu ở thanh thiếu niên và cũng là yếu tố gia tăng mức độ tiêu thụ RB trong khi các quy định hạn chế quảng cáo RB lại làm giảm tiêu thụ RB và giảm tai nạn giao thông và gánh nặng bệnh tật, thương tích do RB.

Việt Nam hấp dẫn khách du lịch vì cảnh quan thiên nhiên, nền văn hóa đặc sắc chứ không phải vì RB. Vả lại, nếu khách đến Việt Nam chỉ vì đất nước họ sử dụng RB bị kiểm soát còn Việt Nam thì được tự do sử dụng thì rất cần xem lại các chính sách này vì nó đi ngược thông lệ quốc tế. Và những chính sách yếu kém sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng của người dân Việt Nam trong tương lai.

Nhưng Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo RB, liệu có mâu thuẫn không?

- Luật hiện nay chỉ là hạn chế, kiểm soát quảng cáo RB chứ không cấm hoàn toàn. Điều này phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước đã đề ra trong Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Vả lại, Luật Quảng cáo không quy định cấm quảng cáo bia thì Luật Phòng chống tác hại của RB vẫn có thể quy định các biện pháp hạn chế đối với quảng cáo vì việc một luật sửa nhiều luật đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Việc Luật Phòng chống tác hại RB quy định một số vấn đề khác với các quy định tại các văn bản luật ban hành trước nhằm đáp ứng mục tiêu phòng, chống tác hại của RB là bảo đảm tính hợp pháp.

Xin cảm ơn ông!