“Giờ này, tôi vẫn luẩn quẩn trong đầu đôi mắt của bé Diễm. Đôi mắt to, buồn rầu. Trận lũ vừa rồi đã cướp đi sinh mệnh của bố mẹ bé. Chúng tôi đến nhà Diễm, đường xa và bùn lầy, tôi bế Diễm đi chặng đường gần 10km...”.
Khóc khi nhìn thấy mì tôm
Thực ra, ban đầu tôi được mời tham dự chương trình, tôi không nghĩ gì cả, trong lòng chỉ tính là ừ thì đi cho biết. Thời gian qua, tôi cũng luôn theo dõi thời sự, nhìn cảnh nước lũ, những bàn tay kêu cứu qua những mái nhà chỉ còn hở nóc trên lũ nước mênh mông, thấy kinh khủng đấy nhưng không thấy đau. Vì thực ra khi xem thời sự, trên thế giới cũng có rất nhiều nước bị thiên tai, bão lũ, sóng thần. Khi nhìn qua TV, tôi không có nhiều cảm nhận.
Trên hành trình, chúng tôi đi qua Trường tiểu học Hương Lộc ở Hà Tĩnh. Khi xe chúng tôi vừa tới cổng trường thì có một xe cứu trợ khác vừa đi ra. Tôi không kịp nhìn xem đó là đoàn xe của tổ chức nào. Chúng tôi bước vào lớp học, thấy trên bàn mỗi em học sinh là một gói mì tôm, các em đang mở ra vừa ăn vừa học. Tôi hỏi một bé gái: “Cháu cho cô ăn cùng được không?”, cô bé mở to đôi mắt đen lánh nhìn tôi và khe khẽ bóp lấy một ít vụn mì tôm đưa cho tôi. Tôi đã trào nước mắt, vừa ăn vừa khóc, tôi không thể nghĩ được mì tôm giờ là niềm hạnh phúc của các em.
Cả ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, cảnh trẻ tới lớp mà không đủ quần áo để mặc cứ ám ảnh trong đầu tôi. Tôi đã nhìn thấy các em giữ một hộp sữa tươi trong tay quý giá đến mức nào, thật giống như cầm một bảo vật, các em giữ gìn trong niềm hạnh phúc khôn tả. Một em còn bảo: “Ngày xưa mẹ cháu chưa bao giờ mua sữa cho cháu, bây giờ cháu mới được uống sữa này”. Cô giáo ở trường Hương Lộc thì nói: “Thế là học sinh của em được mặc quần áo Hà Nội, quần áo Sài Gòn rồi nhé”, thực lòng tôi nghe mà không kìm được nước mắt. Có ai muốn được mặc quần áo Hà Nội hay Sài Gòn bởi nỗi đau này đâu!
Lần đầu tiên bế bé gái lội bộ 10km
Trường Hương Lộc (Hà Tĩnh) có nhiều số phận bé gái rất thương tâm mà tôi không thể nào quên được. Giờ này, tôi vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu đôi mắt của bé Diễm. Đôi mắt to, buồn rầu. Trận lũ vừa rồi đã cướp đi sinh mệnh của bố mẹ bé, giờ bé phải ở nhà với bà, bà thì già rồi. Hai cái bóng một trẻ, một già ấy cứ nương nhau để sống qua ngày. Bà già rồi nên không đưa bé đi học được, 6 tuổi, bé tự đi bộ gần chục cây số đường để tới trường. Nhà bé bên kia bờ sông, muốn sang được lớp học phải vượt qua một chặng dài, riêng đoạn từ chân cầu vào đến lớp học đã khoảng 3km - đó là quãng bùn ngập mắt cá chân.
Bé Diễm nhỏ nhất trong đám trẻ, đôi mắt buồn nhất, bé ít nói, hỏi gì cũng chỉ nói nhỏ nhẹ, tôi nghĩ, bé đã chịu mất mát quá lớn nên sinh ra cái tính trầm buồn ấy. Tôi thấy trời se se lạnh nên lấy chiếc khăn của mình quàng lên cổ cho bé đỡ lạnh, bé trào nước mắt và từ đó cứ ôm lấy tôi. Tôi là người sống nội tâm, cũng rất dễ chảy nước mắt mà nhìn nỗi xót xa, nỗi tủi thân trên gương mặt bé Diễm, tôi không khóc nổi, cứ thấy đắng và đau ở trong lòng.
Chúng tôi đến nhà Diễm, đường xa và bùn lầy, tôi bế Diễm đi chặng đường gần 10km, có lẽ lần đầu tiên tôi đi bộ một chặng đường xa như thế và bế trên tay một bé gái. Đến giờ, tôi vẫn thấy tay chân mình rã rời. Khi bế em trong lòng, tôi đã cảm nhận được bé được an ủi phần nào, thấy được sẻ chia. Tôi hỏi: “Con có thương cô không?”, Diễm khe khẽ nói: “Con có”. Tôi nghe trong lòng cứ xốn xao đến khó tả.
Nghe từ “bão” là tôi thấy khủng khiếp
Tôi sống ở Mỹ, ở cái nơi chưa từng biết đến bão lũ, hàng ngày tôi đi giày cao gót, bước ra khỏi nhà là đi xe hơi. Giờ đến với các em nhỏ, sống trong cảnh hoang tàn sau lũ, tôi nhìn đôi giày trệt tôi mới mua trước khi khởi hành vào miền Trung để phòng bị đường trơn, đường lầy lội, tôi thấy quý đôi giày biết bao, lúc ấy tôi mới nghĩ, có đôi giày để đi vào chân là may mắn lắm. Tôi cũng đã nghĩ như vậy với các em nhỏ, trong lúc này, một cuốn sách, một gói mì hay một tình cảm tới các em thật quý biết bao. Tôi đã nghĩ, mình làm được gì có thể thì mình sẽ làm hết lòng vì các em, không quản ngại.
Lúc vui chơi với các em, tôi hỏi: “Ví thử lũ nữa về thì các con sẽ phải làm gì?”, các em hồn nhiên trả lời: “Chúng con biết bơi, dì ạ”. Tôi đắng ngắt trong cổ khi nghe điều đó, các em thơ ngây quá, hồn nhiên quá mà chịu những tai họa khủng khiếp quá.
Mấy ngày đi triền miên qua các vùng lũ, tôi mệt, khi lên xe ôtô để về sân bay, tôi dự tính sẽ ngủ một chút để lấy lại sức khỏe. Tôi đang thiu thiu ngủ thì chợt nghe thấy đài phát trên xe ôtô nói là bão lại về miền Trung. Tôi bật dậy bàng hoàng, thực tình là tôi thấy như tiếng sét bên tai vậy. Tôi nghe từ “bão” thật khủng khiếp, tôi thấy như chính mình đang chuẩn bị đón một trận bão vậy.
Sắp tới, chúng tôi lại trở lại Quảng Bình, Hà Tĩnh, tôi đã biết mình cần làm gì tốt hơn để giúp đỡ một phần nhỏ vào những thiệt thòi mà bà con mình và các em nhỏ phải chịu vì lũ.