Khởi công Dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau: Khơi thông phát triển ĐBSCL

Hoàng Nam - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng loạt tổ chức khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Tại khu vực ĐBSCL có 2 điểm cầu (tỉnh Hậu Giang và Cà Mau) tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại các quyết định số 9110D-BGTVT và số 912/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2022 và giao Ban QLDA Mỹ Thuận làm Chủ đầu tư. Dự án có điểm đầu kết nối với Dự án cầu Cần Thơ 2 và kết thúc tại TP Cà Mau, được chia thành 2 Dự án thành phần: Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 37,65km và 9,252km tuyến nối; Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 22,4 Km và tuyến nối dài 16,597Km.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: CK
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: CK

Kết nối hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 1/1, tại huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và UBND TP Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Điểm đầu dự án thuộc Km15+350 giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - Quốc lộ 1, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ; điểm cuối Km53+000 giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái (giữa) đến dự Lễ khởi công tại điểm cầu Hậu Giang. Ảnh CK
Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái (giữa) đến dự Lễ khởi công tại điểm cầu Hậu Giang. Ảnh CK

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65km, quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, rộng 24,75m; giai đoạn phân kỳ có 4 làn xe hạn chế, rộng 17m với tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1.956 tỷ đồng.

Hiện nhà thầu đang triển khai công tác chuẩn bị nội nghiệp, lập bãi công trường, huy động thiết bị, vật liệu… để triển khai khởi công/thi công dự án ngay sau lễ khởi công. Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay đã chi trả tổng cộng được 895 tỷ đồng/951 tỷ đồng, trong đó Cần Thơ chi trả được 161,3/161,3 tỷ đồng (100%), Hậu Giang chi trả được 734,4/789,7 tỷ đồng (93%).

Bộ GTVT đề nghị TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý II/2023; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chủ đầu tư, Ban QKDA và các nhà thầu thi công trong quá trình triển khai dự án; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai dự án.

Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các dự án giao thông trong khu vực và dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12), Bộ Quốc phòng, đại diện các nhà thầu thi công cam kết tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị xe máy; tổ chức thi công chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật; đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, quyết tâm hoàn hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng cao nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định: Đây chính là thời cơ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước nói chung và khu vực vùng ĐBSCL nói riêng, trong đó có tỉnh Hậu Giang.

"Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài 109km, tổng diện tích thu hồi là 761ha, tổng số dân bị ảnh hưởng là 3.857 hộ, tổng số hộ được bố trí  tái định cư là 973 hộ. Toàn dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã bàn giao mặt bằng đạt 94,1/109km (85%). Riêng tỉnh Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, với diện tích bàn giao đạt 90% diện tích phải thu hồi, tương đương 324ha/361,5ha.", ông Đồng Văn Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các sở, ban ngành, địa phương và kêu gọi nhân dân có dự án đi qua, tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện thi công dự án đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, khắc phục khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công để triển khai công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn lao động.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khởi công dự án thành phần cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Hoàng Quân
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khởi công dự án thành phần cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: Hoàng Quân

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau có vốn đầu tư 17.152 tỷ đồng

Cùng ngày, tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Bộ GTVT tải phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đầu tư xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại các quyết định số 911/QĐ-BGTVT và số 912/QĐ-BGTVT và được giao cho Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.

Dự án đi qua 4 tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, từ Km15+350 đến Km126+223, tuyến dài hơn 72,2km và tuyến nối dài hơn 16,5km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.

Đoàn xe và nhiều thiết bị chuyên dụng tại lễ khởi công dự án cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau vào sáng 1/1/2023. Ảnh: Hoàng Quân
Đoàn xe và nhiều thiết bị chuyên dụng tại lễ khởi công dự án cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau vào sáng 1/1/2023. Ảnh: Hoàng Quân

Về quy mô xây dựng, tuyến cao tốc giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe bề rộng nền 17m; giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe bề rộng nền 24,75m. Vận tốc thiết kế 100km/h. Các công trình được xây dựng đồng bộ như trạm thu phí không dừng, hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu của dự án đã hoàn tất, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2026. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư của các Dự án thành phần được tách thành Tiểu dự án và được giao cho UBND các tỉnh có dự án đi qua tổ chức thực hiện. Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được các địa phương thực hiện đạt trên 70% diện tích chiếm dụng. Các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật đang triển khai để phục vụ theo tiến độ thi công.

 

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau khi hoàn thành sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến năm 2026) cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải. Đặc biệt, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT. Đặc biệt là sự khơi thông phát triển cho cả vùng ĐBSCL.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần