Khơi dậy sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 745-TB/TU về kết luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng BCĐ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy tại Hội nghị quý I/2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình.

Theo nội dung Thông báo, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành mục tiêu Chương trình năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của TP, cấp uỷ, chính quyền, các quận, huyện, thị xã, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, người dân về các chủ trương, định hướng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt là những vấn đề, những nội dung mang tính bức thiết nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân.

Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy. Ảnh: Phạm Hùng
Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy. Ảnh: Phạm Hùng

Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp theo mục tiêu của Chương trình.

Các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần bám sát các nội dung chỉ đạo tại Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND TP, chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ được giao và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra.

Ngoài ra, trên cơ sở Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại các Quyết định 318, 319, 320, 321/QĐ-TTg, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, trình cấp thẩm quyền ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới của Thành phố để các cấp, các ngành làm căn cứ triển khai thực hiện.

Tiếp tục tập trung, triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi, đảm bảo thực chất, hiệu quả. Giao Sở NN&PTNT; Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội; Ban Tuyên giáo Thành ủy đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... trong và ngoài TP.

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn, đặc biệt Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND TP. Chủ trì, phối hợp với các huyện rà soát lại các đơn vị đã đăng ký thực hiện - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sớm triển khai thực hiện có hiệu quả. Chịu trách nhiệm phối hợp, đôn đốc thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của Chương trình năm 2022. Xây dựng “Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” để làm cơ sở, điều kiện công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở ngành liên quan rà soát, cân đối nguồn lực, báo cáo UBND TP hỗ đầu trợ tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho các huyện còn khó khăn, chưa hoàn thành nông thôn mới, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 và các năm tiếp theo của Chương trình.

Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát lại các dự án đầu tư về lĩnh vực nước sạch, trường hợp chưa hoàn thành, đề nghị cam kết rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành; kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các dự án không hoàn thành. Ngoài ra, đối với 28 xã chưa được đầu tư hệ thống nước sạch do nằm xa nguồn nước, hiệu quả đầu tư không cao, đề nghị các sở ngành nghiên cứu, tham mưu đề xuất đầu tư hệ thống nước sạch cho 28 xã bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Đối với các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận trong năm 2022. Quận ủy, HĐND, UBND các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022... 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần