Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến khởi động lại tuyến du lịch giữa châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam-Trung Quốc) với các tỉnh Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) tối ngày 28/3 do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, trước khi xẩy ra dịch Covid-19, khách du lịch Trung Quốc đạt 5,8 triệu lượt trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2023, du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đón được trên 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó dòng khách du lịch Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường chính. Tại hội nghị Bí thư Châu ủy Châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam-Trung Quốc) thông tin, Tour du lịch “Hai quốc gia, sáu điểm đến” là sáng kiến do ngành du lịch tỉnh Lào Cai và Châu Hồng Hà chính thức khai trương, vận hành năm 2020 qua đó đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách mỗi bên.
Để thu hút du khách, các doanh nghiệp du lịch có chung ý kiến, chính quyền, cơ quan quản lý Việt Nam-Trung Quốc và các tỉnh thành hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối trao đổi khách, tạo điều kiện thuận tiện cho hoạt động xuất nhập cảnh. Giám đốc Công ty du lịch Thanh Tú (Trung Quốc) Khương Văn Minh kiến nghị, thời gian tới chính quyền tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và châu Hồng Hà (Trung Quốc) cho phép khách du lịch 2 nước được đến những địa phương này bằng giấy thông hành vùng biên, không cần sử dụng visa du lịch. Hỗ trợ này còn giúp doanh nghiệp giảm giá tour, nhưng chất lượng không giảm.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung đề nghị chính quyền tỉnh Vân Nam và Châu Hồng Hà (Trung Quốc) hỗ trợ giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh thuận lợi nhất để doanh nghiệp đón khách du lịch hai bên. Đồng thời các bộ, ngành Việt Nam-Trung Quốc hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực thi Hiệp định vận tải đường bộ giữa 2 nước đã ký kết qua đó đưa tuyến xe chở khách du lịch đến hai quốc gia và các địa phương vào hoạt động. “Việc tháo gỡ thủ tục vận tải sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp thí điểm triển khai hình thức du lịch bằng xe tự lái với các điều kiện kèm theo của các tuyến “Hai quốc gia sáu điểm đến”-bà Dung nêu rõ.
Phát biểu tại hội nghị Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nêu rõ, Hà Nội luôn xác định, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế trọng điểm hàng đầu, ở chiều ngược lại du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam như: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác. Để thu hút du khách Trung Quốc đến Việt Nam, ngành du Hà Nội sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch...
“Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tour du lịch sẽ làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam theo tuyến du lịch: Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) qua đó hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội”- bà Giang nhấn mạnh.
Để thu hút khách du lịch quốc tế nói chung, Trung Quốc nói riêng ngành du lịch Thủ đô đang đẩy mạnh kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hoá truyền thống, đặc sắc của Thủ đô. Các sản phẩm này rất phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch Trung Quốc như: Tour du lịch “Hoàng thành Thăng Long”, tour Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hoàng thành Thăng Long và nghỉ dưỡng tại Khu du lịch đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội; tour du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sóc Sơn,…