Nghiên cứu sinh vật biển, cá voi xanh và đo lượng khí CO2
Theo Tổng Lãnh sự Pháp, để thực hiện dự án thám hiểm Nam Cực với mục đích nghiên cứu khí hậu, đo sự hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) và nghiên cứu sinh vật biển (từ vi sinh vật phù du đến cá voi xanh), từ hơn 10 năm trước, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới Jean-Louis Etienne đã có ý tưởng xây dựng 2 chiếc tàu phục vụ cho chuyến thám hiểm là tàu PERSEVERANCE (dịch nghĩa - Kiên định) và tàu Polar POD được Chính phủ Pháp tài trợ.
Polar POD là tàu hải dương học tiên tiến nhất. Mô hình tàu đã được thử nghiệm về quy mô, kỹ thuật và được xác nhận thành công để thực hiện sứ mệnh đến Nam Đại Dương thám hiểm Nam Cực. Tàu Polar POD có chiều dài 340ft (103,63m), tổng trọng lượng 1.000 tấn, độ mớn nước 250ft (76,20m), mũi tàu nặng 150 tấn nhằm tạo sức dằn để đảm bảo sự ổn định khi tàu được lật theo phương thẳng đứng so với mặt nước biển.
Khi đến gần khu vực thám hiểm, Polar POD sẽ được cho ngập nước phần mũi tàu, rồi tự lật theo phương thẳng đứng. Lúc này tàu tự di chuyển theo dòng chảy liên tục tuần hoàn của Nam Cực.
Nam Cực không có những châu lục bao quanh, chỉ có gió thổi và sóng xô không ngừng. Đây là vùng biển xa xôi và hiểm trở, đến nay rất ít chuyến thám hiểm đến khu vực này. Do đó, khi chế tạo Polar POD, các nhà khoa học tính toán cực kỳ chính xác từng chi tiết để đáp ứng với chuyển động của sóng và tránh cộng hưởng.
Đối với tàu Polar POD, phần nổi được thiết kế cao khoảng 20m so với mặt nước biển, là nơi ở của ekip thủy thủ đoàn gồm 8 người (3 thủy thủ; 4 nhà khoa học; 1 đầu bếp hoặc có thể là đạo diễn, nhà văn…). Cứ 2 tháng một lần, ekip thủy thủ đoàn sẽ được thay thế, việc thay ekip và cung cấp lương thực, thực phẩm, thiết bị khoa học… được thực hiện bởi tàu PERSEVERANCE, là con tàu được chế tạo đặc biệt cho nhiệm vụ thám hiểm.
Ngoài việc là nơi ở của thủy thủ đoàn, phần nổi của Polar POD còn là nơi đặt hệ thống thiết bị công nghệ, viễn thông hiện đại nhất, như: Đo cảm biến khí tượng (nhiệt độ, độ ẩm, gió); máy ảnh có tầm nhìn xa; đo tốc độ của gió từ khoảng cách 1.000m; máy đo phóng xạ (độ ẩm và nhiệt độ từ khoảng cách 10km); hệ thống hiệu chỉnh chuyển động của các phép đo; khu vực phóng UAVs; phá sóng; quan sát những tảng băng trôi…
Tất cả những hoạt động của các thiết bị công nghệ dựa vào nguồn điện từ 6 turbine gió Kingspan được gắn trên 2 “cánh buồm”. 2 “cánh buồm” có tác dụng duy trì vỏ tàu ngược chiều gió và đảm bảo sự thay đổi hướng trong trường hợp nhìn thấy những tảng băng trôi. Còn 6 turbine gió có công suất đơn vị là 3,2kW bằng tế bào quang điện. Gần 100 kWh điện được lưu trữ trong 2 gói pin lithium-ion sẽ cung cấp năng lượng cho con tàu trong vòng 6 tháng.
Tàu Polar POD không có động cơ, việc di chuyển bằng cách “trôi” theo dòng nước với tốc độ khoảng 1 hải lý/giờ (tương đương 1,8km/giờ) nhờ vào dòng hải lưu và những cơn gió. Vì vậy khi vận hành, tàu không phát ra âm thanh cũng như không phát ra khí thải nhờ vào nguồn năng lượng tái tạo. Vì vậy để nghiên cứu chính xác những loài sinh vật biển nhuyễn thể cho đến cá voi xanh, phần chìm dưới mặt nước biển (khoảng 80m) của Polar POD được lắp đặt nhiều thiết bị hydrophone micro đo cường độ âm thanh để xác định đó là loài động vật nào, và thiết bị đo CO2 trong nước.
Việt Nam là điểm khởi hành của tàu “Kiên định”
Nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne cho biết: “Nam Đại Dương có vai trò hấp thu lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người, nó hấp thụ 50% lượng CO2 của toàn bộ đại dương trên trái đất. Với dự án thám hiểm nghiên cứu khoa học lần này, chúng tôi có thể đo lường được lượng khí CO2 ở ngang và dưới sâu mặt nước biển. Lý do đo được lượng CO2 trong dòng nước vì các con sóng chôn vùi lượng CO2 vào lòng biển có nhiệt độ thấp, từ đó có thể đo lượng CO2”.
Cũng theo nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne, để phục vụ, hỗ trợ tàu Polar POD thực hiện sứ mệnh nghiên cứu, là tàu mang tên PERSEVERANCE có nghĩa “Kiên định”. Cái tên “Kiên định'' được đặt bởi lẽ nhà thám hiểm đã ấp ủ ý tưởng xây dựng hai con tàu từ 12 năm qua.
Tổng Lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sau buổi họp báo lần đầu để thông báo về dự án vào ngày 16/3/2021, ngay sau khi ký hợp đồng với Nhà máy đóng tàu Piriou vào ngày 1/12/2021, con tàu PERSEVERANCE được đóng.
Tháng 11/2022, khởi động chương trình giáo dục liên quan đến dự án tại các trường học ở Pháp và ra mắt tàu PERSEVERANCE. Tháng 1/2023, tàu được đưa ra biển thử nghiệm để phục vụ cho chuyến hải trình vào ngày 13/3 tới đây.
Đối với tàu Polar POD sẽ được đóng vào tháng 10/2024, đến tháng 4 và 5/2025 đưa tàu ra thử nghiệm trên biển. Từ tháng 6/2025, tàu Polar POD khởi hành, bắt đầu thực hiện sứ mệnh nghiên cứu Nam Cực cho đến năm 2028.
Tàu PERSEVERANCE có chiều dài 42,64m, rộng 11m, độ mớn nước 4,15m, chất liệu thân tàu bằng nhôm, được thiết kế để đến vùng Nam Cực. Tàu có 2 cột buồm cao 33m, động cơ hàng hải Baudouin 600 mã lực - IMO 3 bộ đẩy cung 100 giờ, tốc độ tối đa 10 hải lý/giờ. Đây là loại tàu chở hàng có tổng trọng tải nhỏ, với thủy thủ đoàn 8 người, cabin tàu có phòng tắm và có sức chứa 12 hành khách.
“Hiện nay tàu PERSEVERANCE đang ở Việt Nam, vào ngày 13/3 tàu sẽ khởi hành để đến cảng Marseille (Pháp) vào tháng 4/2023, rồi chạy tiếp đến cảng Brest (Pháp). Từ đây, tàu tiếp tục hải trình đến TP Thomso (Na Uy), rồi di chuyển đến điểm cuối cùng là Nam Cực.
Đối với hải trình của tàu Polar POD xuất phát từ Nam Phi, theo dòng chảy qua Ấn Độ Dương. Tàu Polar POD sẽ đi hai lần vòng quanh lục địa Nam Cực giữa vĩ tuyến 50 và 55 về phía Nam, trong suốt 3 năm để hoàn thành hai chuyến “Du lịch thế giới” - Nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne cho biết.
Cũng theo nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne, dự án thám hiểm Nam Cực để nghiên cứu khoa học do Chính phủ Pháp tài trợ. Còn những kinh phí hậu cần cho ekip của chuyến đi được vận động từ các nhà tài trợ, mạnh thường quân ủng hộ. Những nhà tài trợ hay mạnh thường quân có thể là những hành khách đi theo con tàu PERSEVERANCE, vì đi tàu này giống như đi trên du thuyền. Hiện tại thuyền trưởng đang khẩn trương làm việc để chờ ngày khởi hành.
Bác sĩ - Nhà thám hiểm - Nhà văn Jean-Louis Etienne
Nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne (SN 1946, quốc tịch Pháp), trước khi trở thành nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới, ông từng là bác sĩ thực hành phẫu thuật. Ông có chuyên môn về dinh dưỡng, sinh học thể thao và sinh lý học về sự thích nghi của con người với các điều kiện khắc nghiệt.
Năm 1977-1978, ông tham gia cuộc đua vòng quanh thế giới “Whitbread Round” trên tàu Eric Tabarly’s thần thoại Pen Duick 6. Ông là một trong nhiều người đã chinh phục các đỉnh núi ở Himalayas, Patagonia và Greenland.
Năm 1986, ông là người đầu tiên một mình đến Bắc Cực bằng xe trượt tuyết trong vòng 63 ngày. Vào năm 1989-1990, ông thực hiện chuyến du hành dài nhất chưa từng có đến lục địa Nam Cực với những chú chó, hơn 7 tháng với quãng đường gần 4.000 dặm (gần 6.400km). Sau đó, ông tiếp tục khám phá núi lửa Erebus ở Nam Cực.
Vào tháng 4/2010, ông đã thực hiện chuyến đi đầu tiên qua Bắc Băng Dương bằng khinh khí cầu.