Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi động tuyến đường ống dẫn khí đốt chung 4 nước: Còn thời còn tận dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian khá dài ấp ủ ý tưởng và tiến hành đàm phán, 4 nước: Ấn Độ, Pakistan,...

Kinhtedothi - Sau thời gian khá dài ấp ủ ý tưởng và tiến hành đàm phán, 4 nước: Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Turkmenistan đã chính thức khởi động dự án hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt chung kết nối cả 4 nước và giúp họ đáp ứng nhu cầu về năng lượng. Với tổng giá trị 10 tỷ USD, vốn đầu tư cho dự án này không nhỏ đối với tất cả 4 bên tham gia.

Dự án này thúc đẩy hợp tác khu vực và mỗi bên ngoài ra còn có thể theo đuổi lợi ích riêng cả về chính trị chứ không chỉ thuần túy về kinh tế và năng lượng. Điều đáng được chú ý ở đây là Ấn Độ và Pakistan tuy còn căng thẳng và bất hòa với nhau nhưng vẫn cùng tham gia. Ngoại trừ Ấn Độ, 3 đối tác kia đều phụ thuộc ở mức độ rất đáng kể vào sự hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực năng lượng. 4 nước này lại quyết định đầu tư nhiều vào sử dụng nguồn năng lượng là khí đốt khi hội nghị của Liên Hợp quốc về bảo vệ khí hậu Trái đất tổ chức ở Paris (Pháp) vừa mới rồi đã quyết định mục tiêu giảm dần sử dụng các nguồn năng lượng gây nên hiệu ứng nhà kính, trong đó có khí đốt.

Xem ra, 4 nước này có sự phân tách giữa lợi ích trước mắt và tính toán chiến lược lâu dài khi thực hiện dự án này. Đúng là thỏa thuận vừa đạt được ở Paris đưa ra định hướng như trên, nhưng đó là cho thời gian dài từ sau năm 2020. Điều đó có nghĩa rằng trước mắt cũng như về trung hạn, thế giới nói chung và 4 nước này nói riêng chưa thể từ bỏ được hoàn toàn những nguồn năng lượng góp phần gây hiệu ứng nhà kính như than đá, dầu lửa và khí đốt. Chừng nào những nguồn năng lượng này chưa hết thời thì chừng đó tận dụng chúng vẫn là cách tiếp cận thực dụng nhất và hiệu quả nhất.

Những tác dụng khác của dự án này cũng đều rất đáng kể đối với tất cả các bên tham gia. Co cụm lại như thế trong khuôn khổ dự án này giúp các bên có được đối trọng cả về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc đang nỗ lực chinh phục và gây dựng vai trò chủ đạo trong mọi biến động và phát triển ở khu vực này, mà đi cùng với điều đó là nguy cơ phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc đối với Turkmenistan, Afghanistan và Pakistan.

Ngoài ra cũng còn phải kể đến tác động tích cực của dự án hợp tác chung tới từng cặp quan hệ song phương. Sự gắn kết và liên kết khu vực càng được thúc đẩy, bền chặt và thiết thực thì các cặp quan hệ song phương càng có thêm cơ hội và điều kiện thuận lợi để được cải thiện và phát triển, đặc biệt giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Afghanistan và Pakistan. Ở nơi này, an ninh và ổn định, thậm chí chiến tranh và hòa bình hiện vẫn còn là chuyện lớn và thời sự, nhạy cảm và nan giải. Các nước thúc đẩy hợp tác đồng nghĩa với cam kết góp phần vãn hồi hòa bình và an ninh ở khu vực.