Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 1

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng lòng của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, diện mạo huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã đổi thay rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 2

Văn Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Những năm qua, từ hiệu quả của những chương trình, dự án chính sách dân tộc được triển khai, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, diện mạo Văn Sơn ngày càng “thay da, đổi thịt”. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây mới, cải tạo khang trang.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 3

Nhằm thúc đẩy giảm nghèo đa chiều, bền vững, nhiều mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả được phát triển, nhân rộng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huy động nguồn lực về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7%.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 4

Tại xã Vũ Bình, nhà văn hóa xóm Dài sắp hoàn thành là công trình được Nhân dân trong xóm mong chờ từng ngày. Nhà văn hóa được xây dựng trên khuôn viên 4.000m2, dự kiến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn kết tinh thần của hơn 100 hộ dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Bình Bùi Văn Đan, cùng với nhà văn hóa xóm Dài, xã đã xây mới, nâng cấp nhà văn hóa của 8 xóm đặc biệt khó khăn. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng, hưởng ứng mọi công việc chung nên bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, bà con còn tự nguyện huy động các nguồn kinh phí để đầu tư nhiều hạng mục phụ trợ.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Bùi Văn Chiến - Trưởng xóm Ong Man (xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn) tâm sự: trước kia, việc đi lại của bà con rất khó khăn, mùa mưa đường lầy lội, trời nắng thì bụi bặm. Khi con đường được cứng hóa, việc giao thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn nên đời sống kinh tế của bà con cũng có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ về cây giống, con giống của các cấp chính quyền, thu nhập của người dân đã được cải thiện hơn trước.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 5

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Thanh Tùng cho biết, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện quan tâm triển khai, thực hiện. Nguồn lực từ chương trình, dự án được bổ sung cho yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho phát triển nhanh, vững chắc, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách trực tiếp và gián tiếp đều được triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng, giải quyết căn bản các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo. Song song đó, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được kiện toàn, củng cố, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy.

Huyện cũng tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn kết với thị trường tiêu thụ. Hoạt động này mở ra cơ hội đưa các giống cây trồng phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của nhiều xã trên địa bàn, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 6
Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 7

HTX Nông nghiệp xanh Hiếu Thịnh (xã Nhân Nghĩa) là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp của huyện Lạc Sơn. HTX đang sản xuất với quy mô15ha trồng rau an toàn và chăn nuôi; trong đó, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn quy mô 8ha, giá trị thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Hiếu Thịnh Hà Tiến Thạo cho biết, những năm gần đây, HTX liên kết với doanh nghiệp của Hàn Quốc sản xuất bí đỏ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, từ năm 2020, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ gừng và chuối tiêu hồng với Công ty TNHH Pacific.

Chia sẻ niềm vui khi công việc kinh doanh của HTX ngày càng phát triển, Giám đốc HTX gà đồi HTX Hương Nhượng Quách Thị Hòa cho hay, thời gian qua, HTX được các cấp chính quyền hỗ trợ rất nhiều về công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng vào trong chăn nuôi, trồng trọt.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 8

Nhờ đó, các thành viên trong HTX nắm bắt được kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Công việc kinh doanh của HTX thuận lợi nên luôn đảm bảo doanh thu có lãi, giúp các thành viên có thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất.

Đó chỉ là hai trong số nhiều HTX hoạt động hiệu quả của huyện Lạc Sơn. Kết quả này cũng thể hiện sự nỗ lực của huyện thu hút các doanh nghiệp, phát huy vai trò của các HTX trong việc tạo lập, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, an toàn và bền vững.

Xác định sản xuất nông nghiệp có giá trị lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, thời gian qua, huyện Lạc Sơn tích cực vận động, hướng dẫn nông dân các xã, thị trấn tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao chất lượng, năng suất các loại cây trồng chủ lực; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 9

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như: vùng liên kết sản xuất tiêu thụ bí đỏ, mướp đắng lấy hạt tại các xã Quyết Thắng, Cộng Hoà; chuỗi liên kết tiêu thụ gà Lạc Sơn ở xã Chí Thiện; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ gà Hương Nhượng; vùng sản xuất ớt Rẽ của HTX nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp Phú Lương (xã Quyết Thắng).

Cùng với đó, Lạc Sơn có 41 doanh nghiệp, HTX đầu tư vào liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, tiêu biểu như: Công ty Tân Lộc Phát, HTX nông nghiệp Huy Tuấn, HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo, Công ty CP chăn nuôi T&T 159, HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng...

Nói về kết quả thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Thanh Tùng đánh giá: việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được huyện quan tâm thực hiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thuận lợi đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 10

Triển khai thực hiện hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, đến nay tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Lạc Sơn giảm còn 14%. Các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trường, lớp học ngày càng được xây dựng kiên cố. Mừng nhất là hầu hết bà con ở vùng dân tộc thiểu số đã có nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất; đời sống từng bước được nâng lên. Từ đó, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 11
 

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, đến nay, huyện Lạc Sơn có 11 xã đạt 19 tiêu chí; 12 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Năm 2025, huyện phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM gồm xã Văn Sơn và xã Định Cư; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Tân Mỹ.

Đối với các chỉ tiêu khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, huyện Lạc Sơn đã chỉ đạo các xã tiến hành đánh giá, khảo sát và lựa chọn các khu dân cư, các vườn hộ thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu của bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 12

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Thanh Tùng, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, huyện Lạc Sơn có một số tiêu chí khó thực hiện, hoàn thiện, gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế. Huyện cũng gặp vướng mắc trong thực hiện nguồn ngân sách đầu tư, ngân sách đối ứng của tỉnh, huyện chưa kịp thời, bởi nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM là rất lớn.

Để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Lạc Sơn đề nghị tỉnh Hòa Bình xem xét bổ sung nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tỉnh sớm xem xét, bổ sung nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hỗ trợ cho các xã hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng theo quy định; hỗ trợ nguồn vốn xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là các sở, ngành cần hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 để các xã “về đích” đúng hẹn.

Khởi sắc nông thôn mới Lạc Sơn - Ảnh 13

15:24 20/12/2024