Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 ngày 16/1.
Thu hút trên 1 triệu tỷ đồng từ các dự án PPPPhát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nêu rõ: Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong 3 đột phá chiến lược. Sự đồng bộ thể hiện ở các lĩnh vực kết cấu hạ tầng bao gồm: giao thông; cấp điện; thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị; khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế; thương mại; công nghệ thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế; văn hoá, thể thao, du lịch. “Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 4 lĩnh vực trọng tâm là hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn” - ông Thắng chia sẻ.
Hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước như việc nâng cấp, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 1.050 km đường cao tốc; các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleiku; hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là ở các TP lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…Bên cạnh sử dụng vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ cũng đã thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua phương thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP). “Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai được 147 dự án (không tính các dự án theo loại hợp đồng BT) với tổng mức đầu tư khoảng 1.144.152 tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD). Những dự án với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân quan trọng này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam” - ông Thắng cho biết. Cần chiến lược tổng thể Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda cho biết, hàng năm, có một lượng lớn vốn đầu tư ở châu Á cho phát triển cơ sở hạ tầng và phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng một cách hợp lý cũng như tối đa hóa tính hiệu quả của các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, nếu không đây sẽ là điểm yếu có thể kéo Việt Nam đi chậm lại. Trong bối cảnh Luật Đối tác công tư chưa được ban hành, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ, kinh nghiệm thực hiện chương trình PPP thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho dự án PPP bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư thông thường. Theo đó, các quốc gia nêu trên đã thiết lập các cơ chế như Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh Chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu… “Tôi biết Việt Nam đang rất cần nguồn vốn đầu tư và Nhật Bản luôn cam kết cũng như hỗ trợ Việt Nam. Việt Nam có đủ năng lực để phát triển kinh tế và Nhật Bản tin tưởng chắc chắn rằng, đây là thời điểm lịch sử để Việt Nam có thể đạt được những mốc phát triển và tăng trưởng bền vững hơn nữa”- Đại sứ Kunio Umeda khẳng định.