Khơi thông tín dụng tiêu dùng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh vào cuối năm. Ngay tháng 9 này, những quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng, thuận tiện.

Vay tiêu dùng gặp khó

Cho vay tiêu dùng có nhiều dư địa để phát triển bởi quy mô dư nợ lĩnh vực này của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tỷ lệ trung bình của các nước ở khu vực. Đây là phân khúc đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực cho vay khác, cho vay tiêu dùng những tháng đầu năm đứng trước nhiều khó khăn. Kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng kém khiến nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm mạnh trong khi những khoản dư nợ cũ thì khách vay không trả được.

Ông Đỗ Minh Hải - Tổng Giám đốc Công ty ATM Online (fintech cho vay tiêu dùng) thừa nhận, cho vay tiêu dùng khó khăn do những tác động khách quan như khó khăn kinh tế chung dẫn đến thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp, lao động tự do - vốn là phân khúc khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính nói chung và fintech nói riêng - sụt giảm.

Ngoài ra cả nước đang có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép, trong khi các app không được cấp phép rất nhiều khiến những công ty chính thống bị đánh đồng, bị ngộ nhận.

“Trong khi các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép được quản lý chặt chẽ thì nhiều công ty không phải do NHNN cấp phép đã lợi dụng trà trộn mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn, tiếp cận người dân, cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức. Không những thế khi đòi nợ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn”- Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VMBA) TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Nhiều giải pháp kích thích cho vay tiêu dùng

Với dân số hơn 100 triệu dân, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, cho vay tiêu dùng được nhận định là một mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển, giới chuyên gia nhận định, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng không chỉ giúp hệ thống ngân hàng giữ đà tăng trưởng, mà còn kích cầu tiêu dùng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Từ ngày 1/9, theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh như quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/ 2016 hiện hành.

Theo NHNN, việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có).

Ngoài ra, với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng...), khách không cần phải có phương án, dự án.

Thay vào đó, khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn và nguồn trả nợ của khách hàng mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.

Chị Quỳnh Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết do khoản vay mua nhà trả góp của gia đình chị đã hết thời gian ưu đãi nên lãi suất cho vay ở mức quá cao, lên tới 13%/năm. Trong khi đó, nếu có tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay mua nhà của một số ngân hàng lớn chỉ có 8- 9%/năm, không có tài sản đảm bảo thì 11 - 12%/năm. Do đó, nếu được phép vay của ngân hàng khác với lãi suất thấp để tất toán khoản vay cũ, gia đình chị sẽ nhẹ gánh tài chính hơn.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy... trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Đặc biệt, khoảng 1 năm gần đây, nhiều ngân hàng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và đã nhận được ủng hộ vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ.

Đây là những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phê duyệt khoản vay bằng phương thức điện tử sẽ tạo cơ hội để “bùng nổ” hoạt động cho vay trực tuyến. Đặc biệt là những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống, tạo sự thuận tiện hơn cho người dân, phê duyệt nhanh chóng, thủ tục đơn giản, sẽ kích thích tín dụng tiêu dùng phát triển.

Hiện các ngân hàng cũng đang tích cực tung hàng loạt gói vay tiêu dùng ưu đãi tới người dân, để kích thích tiêu dùng từ nguồn vốn rẻ. Đơn cử như PVcomBank đã thông báo đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 13.500 tỷ đồng phục vụ cho vay khách hàng với mức lãi suất giảm tới 4% so với lãi suất thông thường, triển khai đến hết 31/1/2024 hoặc khi hết dư địa giải ngân. Hay tại Agribank, ngân hàng này đang triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường...

Không chỉ các ngân hàng, hệ thống công ty tài chính được NHNN cấp phép cũng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động của mình để đem đến nhiều sản phẩm tài chính tiêu dùng hấp dẫn tới người dân.

 

Với dân số 100 triệu dân, thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển sôi động, đầy tiềm năng, nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận tín dụng chính thống với lãi suất tốt. Nếu đẩy mạnh được cho vay tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay sẽ là cơ hội rất tốt để kích thích sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần phục hồi kinh tế. (TS Cấn Văn Lực)