Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật mới
Sáng 11/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 9 luật: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Công an nhân dân; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Giáo dục đại học; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ban ngành đã giải đáp một số câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến các quy định và việc thực thi trong Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Nhiều địa phương tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt
Trong các ngày 11 - 13/12, nhiều địa phương trong cả nước đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm những người do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đánh giá chung,việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được triển khai thận trọng, nghiêm túc, khách quan theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định.
Các chức vụ lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả
Hà Tĩnh: 2 người có số phiếu tín nhiệm cao bằng nhau là ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND và bà Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với 50 phiếu/53 đại biểu bỏ phiếu (chiếm 92,59% tổng số đại biểu); không có phiếu tín nhiệm thấp.
Thanh Hóa: Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đều có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 87/90 đại biểu bỏ phiếu; không có phiếu tín nhiệm thấp.
Đắk Nông: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn có 47 phiếu tín nhiệm cao/51 đại biểu bỏ phiếu (chiếm 92,1%); không có phiếu tín nhiệm thấp.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có 46 phiếu tín nhiệm cao/47 đại biểu bỏ phiếu (chiếm tỉ lệ 92%); không có phiếu tín nhiệm thấp.
Lâm Đồng: Ông Trần Đức Quận - Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng có 67 phiếu tín nhiêm cao/71 đại biểu bỏ phiếu (chiếm 90,54%).
Ninh Bình: Ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có 43 phiếu tín nhiệm cao/50 đại biểu bỏ phiếu.
Quảng Ngãi: Người có số phiếu tín nhiệm cao nhất là Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, có 47/54 phiếu, đạt 85,5%.
Hải Dương: Người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh với 56 phiếu/58 đại biểu bỏ phiếu (chiếm 90,5%).
Khởi tố 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an
Ngày 14/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng Bộ Công an về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Việc khởi tố bị can đối với hai ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành liên quan đến quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm thực hiện.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành.
Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách Thứ trưởng Bộ Công an giai đoạn 2011-2016 đối với ông Trần Việt Tân, do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 822-QĐNS/TW ngày 31/7/2018.
Ông Bùi Văn Thành bị cách chức Thứ trưởng Bộ Công an do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 823-QĐNS/TW ngày 31/7/2018.
Bắt tạm giam 2 bị can khi mở rộng điều tra vụ án Vinashin
Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các Quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Quá trình điều tra vụ án xác định: Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin; Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC (Vinashin) đã có hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trái quy định pháp luật, đồng phạm với Trần Đức Chính, kế toán toán trưởng Tập đoàn Vinashin trong việc chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank.
Ngày 6/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can số 237/C03-P15 và số 238/C03-P15; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015. Các Quyết định và Lệnh nói trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. Ngày 10/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội và thu hồi, kê biên tài sản do phạm tội mà có.
Bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup sau 10 năm
Vượt qua Malaysia 1 - 0 ở trận chung kết lượt về trên sân vận động Mỹ Đình vào tối 15/12, đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng chung cuộc 3 - 2 sau 2 lượt trận, qua đó đoạt cúp vàng AFF Cup 2018.
Trong hành trình lên ngôi vô địch, thầy trò HLV Park Hang Seo có 8 trận bất bại. Sau 10 năm, bóng đá Việt Nam mới lại giành chức vô địch tại giải đấu này. Chiến thắng trên còn nối dài thành tích bất bại của đội tuyển trên tất cả các mặt trận lên con số 16. Qua đó, Việt Nam đã vượt qua đội tuyển Pháp (15 trận) và trở thành đội có chuỗi bất bại dài nhất thế giới.
HLV Park Hang Seo và bóng đá Việt Nam không chỉ đơn thuần là giành chiến thắng tại AFF Cup 2018, thành tựu này có ý nghĩa hơn cả khi nó tiếp tục những trang sử mới của nền bóng đá Việt Nam.
Đầu tiên là thành tích Á quân U23 châu Á 2018, rồi đến vị trí thứ 4 chung cuộc tại ASIAD 2018, và giờ HLV Park Hang Seo lần đầu tiên có được danh hiệu vô địch cùng bóng đá Việt Nam.
Theo Fox Sport Asia, những lý do chính làm nên thành công của bóng đá Việt Nam thời gian qua chính là: Tinh thần đoàn kết; phong độ ổn định; hàng công sắc bén; hàng thủ vững chắc; và trên hết là có 1 người thuyền trưởng tuyệt vời - HLV Park Hang Seo - người luôn biết cách truyền đam mê, nhiệt huyết, khát khao chiến thắng tới từng học trò.
Cả dân tộc "lên đồng" cùng bóng đá
Sau trận chung kết trên sân Mỹ Đình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - người trực tiếp theo dõi trên khán đài và trao giải cho các cầu thủ bày tỏ, ông có cảm xúc trào dâng về chiến thắng của đội tuyển Việt Nam.
Khi thấy đến 5h sáng 16/12, những đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng vẫn chưa dứt trên đường phố Hà Nội, Thủ tướng cho rằng “một tinh thần quả cảm, tinh thần dân tộc đã được thể hiện qua chiến thắng này”. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao tinh thần quả cảm, dũng mãnh, ý chí của đội tuyển dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Park Hang Seo.
Cho biết trước trận đấu đã viết bức thư động viên đội bóng, trong đó có câu “Dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay, hãy bình tĩnh, tự tin, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu”, Thủ tướng nhấn mạnh một tinh thần dân tộc đã được thể hiện trong trận đấu tối qua và một cảm xúc trào dâng từ TP Hồ Chí Minh, tới Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và đặc biệt Thủ đô Hà Nội với rừng cờ đỏ sao vàng.
Trong khi đó, hàng vạn, hàng triệu người hâm mộ nhiệt thành đã đổ ra đường phố các TP lớn ăn mừng chiến thắng của đội tuyển. Hàng đoàn người áo đỏ hô vang khẩu hiệu "Việt Nam vô địch", cả dân tộc đã có 1 đêm không ngủ.
Tuy nhiên, trong đoàn diễu hành cổ vũ đó cũng đã xuất hiện những hình ảnh "không đẹp". Vẫn có 1 bộ phận người dân, nhất là thanh niên tham gia giao thông chạy thành đoàn, la hét quá khích, lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, nẹt pô, chở quá người quy định… gây mất an ninh trật tự và vi phạm pháp luật. Cá biệt có trường hợp còn đốt xe máy do quá phấn khích.
Theo thống kê tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 141 trường hợp vi phạm an toàn giao thông trong đoàn "đi bão" mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, tạm giữ 115 xe các loại. Trong khi đó tại các bệnh viện lớn cũng ghi nhận lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông tăng vọt.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại miền Trung
Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong tuần qua đã khiến 14 người thiệt mạng. 33.500 ngôi nhà bị ngập, gần 6.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp (nặng nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Bên cạnh đó trên 9.200ha lúa, trên 2.800ha hoa màu bị ngập thiệt hại; trên 78.000 con gia súc gia cầm bị cuốn trôi; gần 100km đường giao thông bị hư hại, sạt lở…
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong khoảng thời gian còn lại của tháng 12/2018, tại các tỉnh Trung Bộ vẫn sẽ xảy ra nhiều đợt mưa trên diện rộng. Đa số nguyên nhân gây mưa trong tháng 12 là không khí lạnh và nhiễu động trong đới gió Đông hoặc bão và áp thấp nhiệt đới. Ví dụ từ 12 - 16/12/2016, ở khu vực Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa to, trọng tâm mưa từ Quảng Nam đến Phú Yên với lượng mưa phổ biến 400 - 600m đã gây ra lũ rất cao ở Bình Định.
Năm 2018 được dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh, ở Trung Bộ trong tháng 12/2018 sẽ còn xảy ra 1 - 2 đợt mưa lớn diện rộng và trong tháng cũng có khả năng xuất hiện lũ trên các sông ở Trung và Nam Trung Bộ.
Grab có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh
Trong tuần, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã phát đi thông tin chính thức về vụ việc Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Thông cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm về: Một là, hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh. Hai là, hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Hiện, Cục Cạnh tranh đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày), đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Liên quan đến hoạt động của Grab tại Việt Nam, Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo mới nhất cho Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hướng xếp loại dịch vụ GrabCar (dịch vụ phổ biến nhất của Grab) vào nhóm quản lý như với taxi.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, quan điểm của Bộ GTVT khi xây dựng Nghị định 86 là thận trọng và tạo nền tảng pháp lý để đưa thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào cuộc sống. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp cùng hoạt động, bên cạnh việc tạo ra quy định mang tính ngăn ngừa những tác động không tốt tới quyền lợi của người dân.
Thêm thương hiệu điện thoại Việt gia nhập thị trường
Ngày 14/12/2018, Công ty VinSmart (Tập đoàn Vingroup) đã chính thức công bố 4 mẫu điện thoại thông minh Vsmart đầu tiên. Các sản phẩm Vsmart sử dụng hệ điều hành VOS phát triển trên nền tảng Android, công nghệ theo tiêu chuẩn châu Âu, có giá từ 2,5 - 6,3 triệu đồng/sản phẩm. 4 mẫu điện thoại thông minh Vsmart có tên lần lượt Joy1, Joy1+, Active1 và Active1+.
Ngay sau lễ công bố, trên mạng xã hội có tin đồn cho rằng 2 trong 4 mẫu điện thoại Vsmart là sản phẩm Trung Quốc trá hình, bởi trong những tấm hình chụp linh kiện điện thoại Vsmart rò rỉ trên mạng, người ta vẫn thấy có sự xuất hiện của các dòng chữ Trung Quốc.
Trước vấn đề này, ông Trần Minh Trung - Tổng giám đốc VinSmart cho biết, hiện cả 4 mẫu điện thoại năm 2018 Vingroup đều mua bản quyền sở hữu trí tuệ trực tiếp từ BQ và bán độc quyền tới 28 nước trên thế giới bao gồm Việt Nam.
Trong 4 mẫu trên có 2 mẫu BQ nghiên cứu phát triển cho chính mình để bán tại Châu Âu, 2 mẫu còn lại BQ tham gia nghiên cứu phát triển cho các đơn đặt hàng đến từ các công ty Trung Quốc.
"Khi chúng tôi đặt vấn đề phát triển các mẫu điện thoại gần với thị hiếu châu Á, BQ đã làm việc với các đối tác này để đàm phán quyền cung cấp sở hữu trí tuệ cho bên thứ 3 là VinSmart. Như vậy, cả 4 mẫu điện thoại trên đều được mua bản quyền sở hữu trí tuệ gốc trực tiếp từ BQ. Chúng tôi có đầy đủ các văn bản pháp lý để đảm bảo chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ này", ông Trung cho hay.
VinSmart đang trực tiếp làm việc với các đơn vị cung ứng lớn trên toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... và Việt Nam. Bất cứ đơn vị nào đạt chuẩn về chất lượng do VinSmart đề ra đều có thể được chọn vào danh sách các nhà cung ứng. Danh sách này sẽ được đánh giá lại hàng năm.