Không cần thay găng tay, nhưng bắt buộc sát khuẩn sau mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều người lo lắng về vấn đề nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi đi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, nhất là việc sử dụng găng tay, sát khuẩn của nhân viên y tế trong lấy mẫu xét nghiệm.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, hiện nay, cùng với thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ từ ngày 18/8. Song song với việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 13 nhóm người có nguy cơ và những người trong khu vực nguy cơ cao trên địa bàn toàn TP, việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt cần được tiếp tục triển khai.
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo CDC Hà Nội, về nguyên tắc, sau mỗi lần thực hiện lấy mẫu, nhân viên y tế phải sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn. Nếu lấy mẫu cho người này, chưa sát khuẩn mà lấy mẫu cho người kia là sai quy định. CDC Hà Nội đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, quận, huyện, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc.
CDC Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm trong đợt 2, thời gian theo kế hoạch hết ngày 20/8 phải lấy xong. Đây thực sự là áp lực đối với lực lượng y tế tại các quận, huyện nên có thể chỗ này, chỗ khác chưa tuân thủ đúng quy trình. Tuy nhiên, khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Đồng thời, CDC có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…
Với người dân, CDC lưu ý, khi được mời đi lấy mẫu xét nghiệm, việc trang bị khẩu trang đầy đủ là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ quy định về giãn cách. Đặc biệt, nếu thấy nhân viên y tế sơ suất, quên sát khuẩn, người dân có quyền nhắc nhở để đảm bảo an toàn cho bản thân. Quy định đã có, ngành y tế mong muốn người dân giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu, nếu nơi nào làm chưa đúng, có thể góp ý trực tiếp cho cơ sở để ngành y tế chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả người dân và nhân viên y tế.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… tất cả các quy trình đều phải thật tỉ mỉ, chuẩn xác. Vì vậy, các nhân viên y tế được tập huấn rất kỹ càng, bởi chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm không đúng cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hướng trực tiếp tâm lý, sức khỏe bệnh nhân, công tác điều trị và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần