Không chỉ là câu chuyện thưởng thức cổ nhạc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như chèo, chầu văn, ca trù, tuồng, xẩm cùng hội tụ trong một không gian diễn xướng đương đại, dung dị, phù hợp với tâm thức cảm thụ của công chúng.

“Chuyện nhạc Phố cổ” đã trả nghệ thuật về với nguyên gốc cả về âm sắc lẫn phương cách thể hiện.
Đêm biểu diễn tại Phố cổ. 	Ảnh: Đặng thủy
Đêm biểu diễn tại Phố cổ. Ảnh: Đặng thủy
Không phải người Hà Nội trẻ nào cũng biết Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ hôm nay từng là một rạp hát nổi tiếng của đất Kinh kỳ, nơi mà thập kỷ 1920 - 1930 liên tục sáng đèn với các vở chèo, tuồng cổ khiến bao người say mê. Vậy nên, khi biết những “món” cổ nhạc như: “Ngâm dâng hương cửa đình” (ca trù), “Đào liễu” (chèo), “Hát cô đôi thượng ngàn” (chầu văn); trích đoạn “Hề chèo”, thơ cổ… được các NSND Xuân Hoạch, Thanh Hoài và các NSƯT Đoàn Thanh Bình, Đặng Công Hưng, Thúy Ngần, Vũ Ngọc… đàn và hát trong chương trình “Chuyện nhạc Phố cổ” tại đây, nhiều người đã khấp khởi đây sẽ là một bữa cỗ tinh thần quý giá, đánh thức miền ký ức tưởng đã bị lãng quên.

Và “Chuyện nhạc Phố cổ” đã không phụ lòng người mộ điệu. Trong không gian vừa mộc mạc vừa sang trọng, với một khoảng cách rất gần khán giả, người nghệ sĩ ngồi trên chiếu cói đàn hát, đưa người xem trở lại với không gian âm nhạc cổ truyền tinh tế, độc đáo thuở nào. Bên cạnh những tiết mục của mỗi thể loại nhạc, là những màn biểu diễn tập thể như “Hát sử chúc”, “Liên khúc chèo” và “Cô đôi thượng ngàn”. Tiếng hát, ngón đàn tài hoa của các nghệ sĩ đã tái hiện một không gian âm nhạc truyền thống rất Việt Nam. Cũng phải nói rằng, chính sự kết hợp hoàn hảo của nghệ thuật với không gian diễn xướng đã khơi gợi cho công chúng cảm nhận được vẻ đẹp của cổ nhạc. Nói như họa sĩ Đặng Thị Khuê: “Chương trình đã dẫn dắt người xem đi qua những miền ký ức trong sự hoài niệm và tri ân, trong giao cảm và thăng hoa giữa nghệ sĩ, nghệ thuật và công chúng”.

Điểm đặc biệt của “Chuyện nhạc Phố cổ” không phải là sự hội tụ của các danh ca, ngón đàn, mà là đánh dấu sự trở lại của những phương cách thể hiện mang đậm dấu ấn truyền thống. Một sân khấu không có thiết bị hỗ trợ khuếch âm hay các phương tiện kỹ thuật hiện đại; một sân khấu mà khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả dường như không hiện hữu... Ở đó, người nghệ sĩ chung một đam mê cổ nhạc, cùng nhau hòa trong tiếng trúc tiếng tơ, truyền lửa đam mê cho công chúng. Và điều khá lý thú là chương trình  phục dựng cả nghi lễ hát cổ nhạc thông qua hình thức ném thẻ của khán giả thưởng cho người hát hoặc chơi đàn. Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân - cố vấn nghệ thuật của chương trình chia sẻ: “Chuyện nhạc Phố cổ” là chuỗi chương trình ca – nhạc nhằm giới thiệu tổng quan về âm nhạc xưa và nay của đất Kinh kỳ. Qua những âm giai, âm sắc của ca - nhạc Việt Nam, chương trình mong muốn mang tới khán giả trong và ngoài nước những ấn tượng văn hóa đẹp đẽ về con người, lịch sử của Phố cổ Thủ đô”.

Ông Đặng Xuân Khuê - Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ cho biết, sau thành công của “Chuyện nhạc Phố cổ”, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức chương trình vào vào tối thứ Sáu tuần thứ 2 của tháng. Mỗi chương trình sẽ đi sâu vào từng thể loại cổ nhạc. Đây chính là một hình thức bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đất Thăng Long – Hà Nội, đồng thời giúp công chúng, nhất là các bạn trẻ hiểu thêm về các thể loại cổ nhạc từng hiện hữu và góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đất Kinh kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần