Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chờ được “chiếc gậy”quản lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 19/10, Bộ VHTT&DL đã tổ chức giao ban trực tuyến sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài Chỉ thị 65, ngành văn hóa còn có cả "chiếc gậy" quản lý là Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mới được ban hành, song vẫn chưa thể đặt niềm tin vào việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Dần trong sạch môi trường biểu diễn

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn: "Sau Chỉ thị 65, một số hành vi vi phạm gây bức xúc, phản ứng gay gắt trong dư luận trước đây như nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp thuần phong mỹ tục, dùng giọng hát ghi âm thay cho giọng hát thật... đã được hạn chế rõ rệt". Chính vì những động thái mạnh sau Chỉ thị 65 như hội nghị, tọa đàm, gửi văn bản đến các đài truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu không được phát sóng, ghi hình những nghệ sĩ đã bị xử phạt, nên môi trường NTBD có phần trong sạch hơn. Có thể kể, vì e ngại trước động thái này, nên dù đau chân ca sĩ Thu Minh vẫn cố chống nạng đến hội nghị để tìm hiểu rõ hơn việc bị xử phạt ăn mặc hở hang có làm cô mất cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Dù "thoát tội" vì hiệu lực của chế tài có sau vi phạm, nhưng phải thừa nhận từ sau "mốc" này, Thu Minh đã cẩn thận hơn khi xuất hiện trước công chúng.

Không chờ được “chiếc gậy”quản lý - Ảnh 1

Các ca sĩ đã ăn mặc cẩn thận hơn trong biểu diễn sau khi có chế tài xử phạt

Sau các quy định mới ban hành, các đơn vị quản lý văn hóa tỏ ra mạnh tay hơn với việc xử phạt. Sở VHTT&DL TP.HCM không chỉ xử phạt hành vi hát "nhép" của ca sĩ Cao Thái Sơn trong chương trình "Quà tặng tháng 6", các công ty tổ chức biểu diễn như Minh Hùng, Hoàn Vũ, Đông Đô Hải Dương... cũng bị liệt vào danh sách nộp phạt vi phạm. Sở VHTT&DL Hải Phòng xử phạt vi phạm của chương trình "Vũ điệu đường cong". Sở VHTT&DL Hà Nội xử phạt Công ty Hiệp hội ca sĩ Việt Nam... Tuy nhiên, số tiền xử phạt mới chỉ hơn 400 triệu đồng trong 6 tháng qua, thì "chưa thấm vào đâu" so với những vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện tại. Thế nên, những hành động ráo riết sau Chỉ thị 65 chưa thể xem là "điểm tựa" để đặt niềm tin từ nay NTBD sẽ đi vào nề nếp, không còn những sai phạm "biến tướng".

Nhưng lại thiếu cập nhật…

Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu là văn bản cấp cao đầu tiên của ngành văn hóa. Nhưng ông Lê Ngọc Cường, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục NTBD đã lên tiếng gay gắt trước tình trạng thiếu cập nhật của những người tư vấn, soạn thảo Nghị định. "Lần đầu tiên có một Nghị định, nhưng lại không có sự cập nhật, chỉ là sự tập hợp của ba quy chế cũ. Những quy định cấm trong Điều 6 của Nghị định như: Thêm bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình đang được phép lưu hành; quảng cáo mạo danh nghệ sĩ... là câu chuyện của 20 năm trước chứ không tồn tại ở thời bây giờ. Trong khi đó còn 8 loại hình nghệ thuật mới như: Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật vẽ trên cơ thể, nghệ thuật hiệu ứng, NTBD đường phố.... đang diễn ra sôi động, khó quản lý thì lại không được nhắc đến trong Nghị định".

Cũng theo bà Thúy Nga, Giám đốc điều hành Công ty Elite: "Với những quy định của điều 22 trong Nghị định thì Việt Nam đã tự làm khó mình trong cuộc tranh đua với đấu trường sắc đẹp quốc tế. Trong khi thế giới chỉ quy định cuộc thi Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ là cần những thí sinh đã đạt giải hoa hậu quốc gia thì trong Nghị định lại đặt ra yêu cầu này với các thí sinh đi dự tất cả các cuộc thi sắc đẹp thế giới".

Vẫn biết rằng, sau Nghị định sẽ có thông tư hướng dẫn, nhưng Nghị định cũng như các văn bản, chỉ thị là chiếc gậy quan trọng để những người làm quản lý văn hóa trả lại giá trị đích thực của nghệ thuật. Nghị định chưa có hiệu lực đã lạc hậu vì khả năng thiếu bao quát của những người xây dựng ra nó, thì làm sao có thể hy vọng chấn chỉnh hoạt động NTBD.