Dị ứng bột mì
Mới đây, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận một ca bệnh dị ứng khá hy hữu. Bệnh nhân là cô gái trẻ 26 tuổi ở Hà Nội, bị dị ứng bột mì. Theo lời kể của người bệnh, trước khi vào phòng tập thể dục, cô có ăn chiếc bánh mì lót dạ. Khi chạy bộ được khoảng 15 phút, cô gái thấy mệt mỏi, xuất hiện ban đỏ toàn thân, ngứa, tăng nhịp tim, đau bụng, đi ngoài, xuất hiện kinh nguyệt bất thường và ngất tại phòng tập. Sau khi được sơ cứu tại chỗ, cô gái đã tỉnh lại. Bệnh nhân được đưa vào viện thăm khám và với chẩn đoán sơ bộ là theo dõi phản vệ độ 3 do bột mì sau hoạt động thể lực.
TS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết, phản vệ với bột mì do hoạt động thể lực, gặp nhiều ở trẻ em vị thành niên và người lớn. Đây lại là bệnh lý nguy hiểm tính mạng nếu không được chẩn đoán sớm. Vì vậy, người có tiền sử bị dị ứng như vậy tốt nhất nên tránh đồ ăn có chứa bột mì, đặc biệt không hoạt động thể lực sau ăn bột mì vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra.
Trước đó, vào khoảng tháng 9/2022, Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng (BV Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bé gái 13 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, nổi ban toàn thân, phù mạch ở mắt, co thắt vùng khí quản, thở rít... Theo gia đình bệnh nhi, sau khi ăn cua và tôm khoảng 1,5 giờ đồng hồ, cháu bé thấy xuất hiện mẩn ngứa ở tay chân. Tiếp sau đó, cháu bé rơi vào tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không trả lời, đại tiểu tiện không tự chủ. Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ kịp thời, nên đã qua cơn nguy kịch.
Đề phòng dị ứng thức ăn
Tương tự, trước đó, BV T.Ư Quân đội 108 cũng đã cấp cứu thành công một phụ nữ 65 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn cá thu. Được biết, sau khi ăn cá thu khoảng 30 phút, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt... Các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán và xử trí cấp cứu theo phác đồ phản vệ, điều trị tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Trí Thức - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, khi bị dị ứng thức ăn, nhiều trường hợp chỉ có phản ứng dị ứng nhẹ, có thể gây ra các biểu hiện không thoải mái nhưng không nghiêm trọng với sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp lại rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng dị ứng thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn. Một số dấu hiệu chính như: Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, chàm, sưng môi, sưng mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn...
Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ với các triệu chứng đe dọa đến tính mạng như: Hạn chế và thắt chặt đường thở; cổ họng bị sưng hoặc cảm giác bị nghẹn ở cổ họng khiến cho quá trình thở khó khăn... Để đề phòng dị ứng thức ăn, bác sĩ Nguyễn Trí Thức khuyến cáo, cần tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như cá biển (cá thu, cá ngừ), tôm, tép, ốc, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành và các chất phụ gia… Ngoài ra, cần xem kỹ thành phần in trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu, ẩm mốc…