Không có chuyện giảm nghèo “trên giấy”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mấy ngày qua, cả lãnh đạo và người dân xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất đứng ngồi không yên vì thông tin việc thoát nghèo tại địa phương chỉ là "trên giấy".

Khi chúng tôi đề cập lại vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Nguyễn Trần Vượng khẳng định: "Không hề có chuyện đó! Hương Ngải là một trong những địa phương rất tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Thạch Thất"."Sợ" thoát nghèo?

Để làm rõ thông tin về thực chất chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã Hương Ngải, chúng tôi đã gặp chị Trần Thị Huyền, thôn 2, xã Hương Ngải, một trong những nhân vật được phát trong phóng sự "Thoát nghèo trên giấy" trên truyền hình mới đây. Gia đình chị Huyền là một trong những hộ nghèo lâu năm của xã, do có chồng bị tàn tật và 2 con còn nhỏ. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, các cấp chính quyền đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Trong đó, anh Cấn Xuân Thắng, chồng chị được nhận trợ cấp 700.000 đồng/tháng. Năm 2013, chị Huyền được UBND xã Hương Ngải tạo điều kiện làm trong tổ thu gom rác thải với mức lương 525.000 đồng/tháng, hai đứa con được hỗ trợ học phí 70.000 đồng/học sinh/tháng.

 
 
Không có chuyện giảm nghèo “trên giấy” - Ảnh 1
 
Nhờ nỗ lực vươn lên, gia đình chị Đỗ Thị Thuận, thôn 9, xã Hương Ngải thoát được nghèo. Ảnh: Thiên Tú

 
Ngoài ra, gia đình chị Huyền còn được hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện/tháng và cách đây 6 năm, Tổ chức Trợ giúp trẻ em quốc tế AC của Đan Mạch đã hỗ trợ gia đình chị một con bò nái sinh sản, đã cho thu vài lứa. Hơn nữa, hiện nay chị Huyền còn làm 5 sào ruộng và đủ điều kiện để sắm cho mình một chiếc xe máy. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, chị Huyền vẫn băn khoăn và "sợ" phải thoát nghèo. "Nếu ra khỏi danh sách hộ nghèo thì hai đứa con không còn được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng nữa!" - chị Huyền chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của gia đình chị Huyền, ông Phí Văn Tôn, thôn 2, hàng xóm và cũng là họ hàng bên nhà chồng chị Huyền chia sẻ, những năm trước đúng là hoàn cảnh của gia đình chị Huyền gặp nhiều khó khăn do con còn nhỏ, chồng ốm yếu. Tuy nhiên, hiện nay, chị Huyền đã được tạo công ăn việc làm tại tổ vệ sinh môi trường, cộng với làm ruộng và nuôi hai con bò sinh sản nên thu nhập đã khá hơn. Gia đình chị cũng đã có đủ đồ dùng như tivi, quạt điện, xe máy... Hai đứa con của anh chị bước đầu đã đỡ đần bố mẹ việc nhà, đồng áng và chị Huyền lại đang tuổi lao động nên nếu quyết tâm, với chuẩn nghèo hiện nay là 500.000 đồng/người/tháng thì gia đình chị hoàn toàn có thể thoát nghèo được.

Quy trình chặt chẽ

Để có thêm thông tin đa chiều, chúng tôi đến thăm nhà chị Đỗ Thị Thuận, thôn 9, xã Hương Ngải, một hộ gia đình vừa thoát nghèo năm 2012. Trong ngôi nhà cấp 4 cao ráo, tường sơn màu xanh sạch sẽ, đồ đạc đơn sơ với bộ bàn ghế gỗ, tivi, loa đài và một số vật dụng thiết yếu trong gia đình nhưng không quá thiếu thốn. Chị Thuận tâm sự, mắt chị kém, con trai đầu (năm nay 23 tuổi) bị tâm thần nên mấy năm trước gia đình rất khó khăn, cứ đến giáp hạt là thiếu ăn. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của xã, anh Phí Văn Hải, chồng chị đã được nhận vào tổ vệ sinh môi trường của thôn với mức lương 750.000 đồng/tháng. Vợ chồng chị còn tích cực làm 4 sào ruộng, chăn nuôi thêm lợn, gà nên thu nhập đã ổn định hơn, không còn đói ăn nữa.Theo ông Cấn Xuân Thân, Trưởng thôn 9, việc bình xét hộ nghèo được tiến hành hết sức dân chủ, công khai. Trưởng thôn đóng vai trò là một điều tra viên, đến từng hộ gia đình điều tra, lập bảng điểm về thu nhập, tài sản như bàn, ghế, giường, tủ, nhà cửa, xe cộ… Sau đó sẽ tiến hành họp toàn thôn để bình xét hộ nghèo theo hình thức bỏ phiếu kín. Ông Thân cho biết, kết quả bình xét hộ nghèo hàng năm được nhân dân thống nhất cao và những hộ thoát nghèo đều có kinh tế ổn định. Hiện thôn 9 còn 6 hộ nghèo trên tổng số 265 hộ dân, chiếm 0,2%.

Ông Nguyễn Trần Vượng - Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cũng khẳng định, việc tiến hành bình xét hộ nghèo được tiến hành vào tháng 10 - 11 hàng năm với quy trình hết sức dân chủ, công khai. Vì thế  từ trước tới nay, trên địa bàn xã chưa có đơn thư phản ánh, khiếu nại nào về việc bình xét hộ nghèo. Theo ông Vượng, những hộ nghèo có thoát được nghèo hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố: Sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp; đánh giá, bình xét của nhân dân trong thôn và quan trọng nhất là sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của chính các hộ dân.

Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Đến năm 2013, xã Hương Ngải có 86 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%. Thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, UBND xã Hương Ngải đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Cụ thể, năm 2013, xã đã bố trí lao động thuộc 5 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo và 1 hộ khó khăn vào tổ vệ sinh môi trường của xã. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân làm việc tại HTX sản xuất rau an toàn với mức lương từ 1,5 - 2,2 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, xã còn tạo điều kiện cho con em các gia đình chính sách, hộ nghèo vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Libya, Hàn Quốc, Angola... Hiện nay, toàn xã có 600 lao động đang làm việc tại nước ngoài và tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, xã Hương Ngải có hơn 2.000 lượt người đi xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, UBND xã Hương Ngải còn tạo điều kiện bố trí cho các lao động thuộc diện hộ nghèo được đào tạo nghề, làm việc trong các doanh nghiệp và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Trong năm 2012  - 2013, toàn xã Hương Ngải có 86 hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tổng tiền hơn 1,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhâp. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể trong những năm qua.

Những chính sách cụ thể, thiết thực giúp các hộ nghèo thoát nghèo của UBND xã Hương Ngải được nhân dân trên địa bàn và UBND huyện Thạch Thất đánh giá cao. Theo kết quả điều tra cuối năm 2012, huyện Thạch Thất có 2.314 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,79% tổng số hộ trên toàn huyện. Năm 2013 chỉ tiêu TP giao cho huyện Thạch Thất giảm nghèo 800 hộ. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, trên cơ sở chỉ tiêu TP giao, huyện căn cứ vào điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn để giao chỉ tiêu thực hiện. Trong đó, xã Hương Ngải được giao chỉ tiêu giảm 45 hộ nghèo, tăng 1 hộ so với kế hoạch giảm nghèo của xã xây dựng trong năm 2013. Tuy nhiên, ông Hồng khẳng định, không có sự áp đặt, ép buộc trong công tác giảm nghèo mà căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của xã Hương Ngải. "Mục tiêu phải giảm nghèo nhưng nếu không đủ điều kiện thoát nghèo thì hộ dân đó vẫn thuộc diện hộ nghèo, thậm chí hàng năm vẫn còn phát sinh thêm các hộ nghèo mới" - ông Hồng chia sẻ.Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu lớn của Đảng, Chính phủ và tất cả các địa phương. Trong những năm qua, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Và cũng chính bởi sự hỗ trợ đó nên không ít người dân có tâm lý sợ phải "ra" khỏi diện hộ nghèo. Để tránh người dân có tư tưởng vin vào hộ nghèo, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, theo ông Hồng, cần phân loại các hộ nghèo như hộ tàn tật, gia đình neo đơn, trong độ tuổi lao động để có chính sách hỗ trợ phù hợp…
 
 
"Sau sự việc này, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại chỉ tiêu giảm nghèo, khảo sát nhu cầu thực tế của các hộ nghèo để có hướng hỗ trợ hợp lý. Trong đó bền vững nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập".

 
Ông Nguyễn Mạnh Hồng Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần