Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có đường dây “chạy viên chức” giáo dục tại Sóc Sơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại tá Dương Văn Giáp thông tin tại buổi giao ban báo chí. Ảnh: Hà Minh

Chiều 13/10, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS CATP (PC 45) đã thông tin liên quan đến các đường dây “chạy viên chức” vào ngành giáo dục trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Định “chạy việc” để chiếm đoạt

Công an (CA) TP đã xác minh, làm rõ vào khoảng giữa tháng 8/2015, anh Đỗ Văn Triệu (SN 1980, trú tại Hồng Kỳ, Sóc Sơn) là CA viên xã Hồng Kỳ nhờ anh Nguyễn Văn Hải (SN 1982, trú tại Phù Ninh, Sóc Sơn) xin vào công chức ngành giáo dục huyện cho chị vợ mình là Nguyễn Thu Hà (SN 1981, là giáo viên mầm non ở xã Bắc Sơn vừa có thông báo của UBND huyện hết hợp đồng). Hải cho biết giá của việc "chạy công chức" từ 150 - 170 triệu đồng. Tuy nhiên, do chị Hà không đủ tiền để chạy công chức nên đã từ chối nhưng sau đó lại báo sẽ giới thiệu cho Hải nếu gặp người có nhu cầu.
Đại tá Dương Văn Giáp thông tin tại buổi giao ban báo chí. 	Ảnh: Hà Minh
Kinhtedothi - Đại tá Dương Văn Giáp thông tin tại buổi giao ban báo chí. Ảnh: Hà Minh
Sau đó, chị Hà đã giới thiệu cho Hải một phụ nữ tên là Giang có nhu cầu xin cho con nuôi vào công chức. Hải đã thông báo việc thỏa thuận với chị Giang với Đàm Hữu Dũng (SN 1972, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự). Sau khi hẹn gặp tại quán cà phê trên đường Hoàng Quốc Việt, Dũng cho chị Giang biết mình có khả năng chạy công chức tại huyện Sóc Sơn và mất khoảng 200 triệu đồng. Chị Giang đã đồng ý và đi rút tiền nhưng không quay lại gặp Dũng.

CATP Hà Nội đã làm việc với Nguyễn Văn Hải và Hải đã khai nhận Dũng làm trong ngành quân đội và làm giảng viên nên Hải nghĩ Dũng có quan hệ có thể xin vào công chức huyện Sóc Sơn. Khai báo với cơ quan CA, Đàm Hữu Dũng cho biết mình không có quan hệ và khả năng xin chạy vào công chức nhưng do khó khăn về kinh tế nên khi thấy Hải nhờ chạy công chức, Dũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. CATP đã tổ chức xác minh, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan đến Đàm Hữu Dũng - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự đến Cơ quan điều tra khu vực I - Bộ Quốc phòng để điều tra theo thẩm quyền.

Nhân viên chợ cũng đi “cò”

Về thông tin phản ánh liên quan tới bà Ngô Thị Toàn (SN 1960) - giáo viên trường Tiểu học Bắc Sơn A, Sóc Sơn và Trần Văn Ánh (SN 1969) làm “cò” công chức. Cơ quan CA đã xác minh, bà Toàn đã nhận 120 triệu đồng để lo chạy công chức cho 2 trường hợp. Sau đó, bà Toàn đã chuyển cho Ánh để lo chạy công chức. Tiếp đó, 2 trường hợp nói trên đã thi đỗ công chức, song hoàn toàn do tự thi tuyển theo khả năng, không hề có sự can thiệp hay chạy chọt nào từ các đối tượng Toàn và Ánh.

 Tiếp đó, tháng 7/2015, bà Toàn nhận 270 triệu đồng để lo chạy công chức có 5 trường hợp và đã chuyển cho Ánh 220 triệu đồng để lo chạy công chức. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Trần Văn Ánh khai nhận bản thân không có khả năng chạy xin vào công chức. Mục đích của Ánh là tạo niềm tin, lừa dối những người có nhu cầu xin chạy vào công chức Nhà nước để chiếm đoạt tiền. Còn bà Toàn khai nhận, do năm 2014, bà Toàn nhờ Ánh chạy vào công chức cho 2 trường hợp đều đỗ nên năm 2015 tiếp tục nhờ Ánh chạy cho 5 trường hợp. Số tiền mà bà Ánh và Toàn nhận là 380 triệu đồng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, CATP đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Ánh, nhân viên chợ Nỉ, Sóc Sơn và Ngô Thị Toàn, nguyên giáo viên trường Tiểu học Bắc Sơn A, Sóc Sơn (bị can Toàn được áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú) cùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mất hơn nửa tỷ đồng vì cả tin

Ngoài 2 vụ việc trên, Phòng PC 45 cũng đã xác minh, làm rõ một vụ lừa đảo khác liên quan đến việc chạy công chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Cụ thể, ngày 13/9/2015, Phòng PC 45 đã nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, ở thị trấn Sóc Sơn) là giáo viên trường Mầm non thị trấn Sóc Sơn) tố cáo bị Nguyễn Văn Thuyết (SN 1989, trú tại Xuân Giang, Sóc Sơn) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua xác minh đã làm rõ Thuyết đã cho chị Hằng biết bản thân có quen biết ông Sơn, là Phó Phòng nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn nên có khả năng chạy công chức. Trong thời gian từ tháng 5/2014 đến tháng 8/2014, Hằng đã trực tiếp nhận tiền để lo chạy công chức cho 9 trường hợp để chuyển cho Thuyết 530 triệu đồng.

Khi chị Hằng nói muốn gặp ông Sơn, Thuyết đã nhờ Nguyễn Văn Long (SN 1976, trú tại Phù Ninh, Sóc Sơn) đóng giả làm ông Sơn để Hằng gặp. Thuyết cũng đã bàn và thống nhất sẽ chuyển tiền cho Long với mỗi trường hợp chạy công chức là 20 triệu đồng. Tổng số tiền Thuyết đã chuyển cho Long là 210 triệu đồng. Tiếp đó, chị Hằng tiếp tục nhờ Thuyết chạy việc cho một số trường hợp khác với tổng chi phí 430 triệu đồng. Tháng 9/2014, do không xin được việc cho những người chị Hằng nhờ, Thuyết đã trả lại cho chị Hằng 434 triệu đồng và nợ lại 536 triệu đồng, sau đó bỏ trốn.

Tại CQĐT, chị Hằng đã tự nguyện giao nộp 7 giấy biên nhận tiền do Thuyết với tổng số tiền đã nhận là 960 triệu đồng. Qua khám xét khẩn cấp nhà Thuyết, CQĐT đã thu giữ một quyển sổ ghi tên và số tiền đã nhận của chị Hằng.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 24/9/2015, cơ quan CSĐT, CATP đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Văn Long về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

"Qua xác minh rất kỹ, các bài viết trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh là có cơ sở, tuy nhiên, quá trình điều tra chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến việc "chạy viên chức" ở lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Các đối tượng bị bắt giữ đã lợi dụng nhu cầu thi tuyển công chức của các cá nhân, tự nhận mình có quan hệ với lãnh đạo các phòng, ban của huyện Sóc Sơn và UBND TP để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Đại tá Dương Văn Giáp khẳng định và khuyến cáo người có nhu cầu nên tới đúng cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ và thi tuyển theo quy định, không nên đưa hồ sơ cho người này, người kia để rồi bị lừa đảo, tiền mất, tật mang.