Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021, sản lượng cá tra cả nước đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả XK cá tra năm 2021 được xem là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng này trong một năm đầy khó khăn. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm đang ở mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021…
Ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), Bộ NN&PTNT cho hay, cả nước hiện có 258 cơ sở chế biến cá tra được công nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP và trong danh sách XK sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách và lô hàng được cấp Giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản XK bởi NAFIQAD.
Trong năm 2021, thực hiện kế hoạch được phê duyệt, NAFIQAD đã thực hiện lấy 866 mẫu cá tra tại 34 vùng nuôi để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu các tra vi phạm (các chỉ tiêu vi phạm bao gồm Enrofloxacin, Ofloxacin, Invermectin, Ciprofloxacin, Leucomalachite Green). Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT.
Trong năm 2021, các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng trực thuộc NAFIQAD đã thẩm định, cấp chứng thư cho cá tra XK vào 30 quốc gia, vùng lãnh thổ mà cơ quan thẩm quyền có yêu cầu NAFIQAD thẩm định, cấp chứng thư.
Đối với lô hàng XK, năm 2021, có 23 lô cá tra bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo (Trung Quốc: 1 lô; Nga: 9 lô; Braxin: 12 lô; EU: 1 lô). Trong đó, 13 lô cảnh báo về chỉ tiêu vi sinh (chiếm 56,6%); 5 lô cảnh báo về chỉ tiêu chất lượng gồm tỷ lệ mạ băng, phụ gia (chiếm 21,7%); 5 lô cảnh báo về bao bì ghi nhãn (chiếm 21,7%).
Số lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên không có lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh. Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là vi sinh vật như TPC, Coliforms, E.Coli; phụ gia: Phosphat. Các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vi phạm chủ yếu năm 2020 là Fipronil, Chlorate... thì năm 2021 không còn cảnh báo.
Cũng liên quan đến vấn đề ATTP, từ ngày 22/3-28/4/2021, Cơ quan Thanh tra và ATTP Hoa Kỳ (FSIS) đã thực hiện thanh tra trực tuyến từ xa đối với Hệ thống kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chế biến cá da trơn của Việt Nam XK vào Hoa Kỳ.
Ngày 5/10/2021, FSIS đã đăng tải báo cáo cuối cũng về kết quả thanh tra. Theo đó, FSIS kết luận và đánh giá phía Việt Nam vẫn tiếp tục được công nhận tương đương về Hệ thống kiểm soát vệ sinh, ATTP trong chế biến cá da trơn của Việt Nam theo quy định phía Hoa Kỳ và không phát hiện sai lỗi, tồn tại trong hệ thống kiểm soát của Việt Nam.
“Hiện nay, Cục đã hoàn thiện hồ sơ để đề nghị FSIS công nhận bổ sung sản phẩm/nhóm sản phẩm cá tra giá trị gia tăng (đã qua xử lý nhiệt, không ăn liền, đông lạnh); gửi đề nghị công nhận thêm 6 doanh nghiệp chế biến cá tra đăng ký XK vào Hoa Kỳ” – Phó Cục trưởng NAFIQAD cho hay.
Đại diện NAFIQAD cũng khuyến cáo các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi (bao gồm cá tra) theo địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở nuôi, sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh…
Bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2021, sản phẩm cá tra Việt Nam được XK sang 133 thị trường, đóng góp 18% tổng kim ngạch XK thủy sản.
Dự báo năm 2022, thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt. Nhóm 4 thị trường chính gồm Trung Quốc, Mỹ, CPTPP và EU đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Tổng kim ngạch XK cá tra năm 2022 sẽ tăng khoảng 20-22% so với năm 2021…
Mặc dù dự báo khả quan, song theo bà Lan, nên đánh giá và định hướng người nuôi, cân bằng cung cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra.
Theo Tổng cục Thủy sản, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng.
Việc tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Tình hình thời tiết, khí hậu có thể tiếp tục diễn biến bất thường; hạn hán xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất…