Khả thi mục tiêu xuất khẩu tăng 10%
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tham gia trong tổng kim ngạch nhập khẩu thị trường thế giới hiện nay là quá nhỏ. Do đó, việc tăng XK 10 - 15% trong năm nay không là gì so với quy mô thị trường thế giới mà Việt Nam tham gia XK. Mặt khác, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay tốt hơn năm 2014, trong đó thị trường mà Việt Nam phát triển rất mạnh là Mỹ thì được dự báo sẽ phát triển rất tốt. Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng tiêu dùng lại hướng vào phân khúc thị trường trung bình chứ không phải loại hàng cao cấp. Những mặt hàng như dệt may, da giày, nông, thủy hải sản… là những mặt hàng thiết yếu, có thị trường tương đối ổn định nên không lo sẽ bị sụt giảm. Bên cạnh đó, DN trong nước hiện không còn khó khăn trong việc mày mò tìm thị trường XK như những năm trước mà đã có nhiều kinh nghiệm để đẩy mạnh XK ở những thị trường mới. Với tất cả những yếu tố trên, ông Phong tin rằng, năm 2015, việc tăng XK hơn 10% là không đáng lo.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay chính là thị trường nội địa. Nạn hàng giả, hàng nhái gia tăng khiến DN chưa thực sự thấy được sự sòng phẳng để hàng hóa cạnh tranh. Không chỉ làm nhái, làm giả các thương hiệu lớn mà một số thương hiệu của DN trong nước sau nhiều năm kỳ công xây dựng cũng bị làm nhái để phân phối trên thị trường nội địa. Không có những chiến lược rõ ràng khiến hệ thống phân phối trên “sân nhà” của DN nội vừa thiếu lại yếu...
Nỗ lực cạnh tranh trên thị trường trong nước
Kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo T.Ư thực hiện mới đây cho thấy: 63% số NTD "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 54% NTD "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam". Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% NTD ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% NTD lựa chọn… Không còn hô hào chung chung, thời gian qua cùng với sự chuẩn bị cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại song phương, nhiều DN trong nước cũng tập trung cho phát triển thị trường nội địa. Kết quả điều tra trên đã đánh giá phần nào nỗ lực của DN trong nước.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, cùng với chiến lược đẩy mạnh XK ra các thị trường lân cận nhằm tận dụng lợi thế từ AEC như Myanmar, Lào, Campuchia…, Tổng Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa trên cơ sở những nền tảng khá vững chắc được xây dựng trong suốt thời gian qua bằng hệ thống phân phối, đại lý của riêng mình, đặc biệt là các cửa hàng và siêu thị riêng M10-Mart. Còn theo Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty May Nhà Bè tại Hà Nội Nguyễn Vũ Ngọc Hà, xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa nhằm nâng cao vị thế, bên cạnh những dòng sản phẩm có thương hiệu đang phát triển mạnh như Mattana, Novoty…, May Nhà Bè cũng đặc biệt chú trọng đầu tư vào công tác thiết kế, nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm có những thương hiệu phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đáp ứng tất cả các phân khúc thị trường trong nước…
Tại buổi gặp gỡ với các DN trên địa bàn mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, vấn đề quan tâm trăn trở nhất của TP hiện nay là phải làm sao để nâng cao chất lượng, uy tín hàng hóa và phải quảng bá hình ảnh đến rộng rãi NTD trong và ngoài nước. Năm 2015, TP sẽ dành 60 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, dành hơn 30 tỷ đồng cho xúc tiến phát triển thị trường nội địa, liên kết tiêu thụ hàng Việt tại Hà Nội. Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh khuyến công với 16 tỷ đồng và 2,2 tỷ đồng hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh XK…
Người tiêu dùng chọn mua hàng ở Hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Chiến Công
|