Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để “có tiền không tiêu được”

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hết quý III/2022 nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt 50% kế hoạch, trong đó, giải ngân vốn vay nước ngoài (ODA), vay ưu đãi nước ngoài mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao.

Tình trạng "có tiền không tiêu được" tái diễn trong năm 2022. Đặc biệt, nhiều bộ, ngành, địa phương xin trả lại số tiền được phân bổ vốn ODA cho năm 2022 do không giải ngân được.

Năm 2020, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng một số bộ, ngành, địa phương đã trả lại vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã đăng ký, được giao. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2021, với 17 bộ, địa phương đề xuất trả vốn với tổng số tiền 6.827 tỷ đồng. Nhiều cái tên được điểm ra như: Bộ TN&MT trả lại hơn 250 tỷ đồng, Cần Thơ trả lại hơn 1.000 tỷ đồng, Quảng Ninh 322 tỷ đồng…

Không để “có tiền không tiêu được”. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Không để “có tiền không tiêu được”. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đây là hiện tượng cần hết sức lưu ý. Bởi, Việt Nam là nước đang phát triển nhu cầu vốn đầu tư cao, nhất là những dự án lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước như cơ sở hạ tầng, đường sắt đô thị, biến đổi khí hậu… rất cần đến nguồn vốn nước ngoài và công nghệ cao.

Việc xây dựng kế hoạch vốn được thực hiện từ quý III năm trước, đủ thời gian để chuẩn bị cho các dự án nhận vốn của năm. Tuy nhiên việc trả lại kế hoạch vốn cho thấy một phần công tác chuẩn bị là chưa tốt. Việc chuẩn bị đầu tư các dự án của các bộ, ngành, địa phương rất sơ sài, cốt làm sao để xin được. Có hiện tượng một số địa phương chưa có nhu cầu vốn cấp bách bằng địa phương khác nhưng lại "xí phần" vốn ODA; giải phóng mặt bằng chưa xong cũng đề nghị Trung ương phân bổ vốn rồi… để đó.

Thực tế, vốn đầu tư công được phân bổ theo nguyên tắc “dưới trình lên, trên bổ xuống”, dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước nhưng sau khi được giao vốn, có bộ lại đề xuất trả lại hàng nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý về cơ cấu, số vốn đầu tư công đề xuất trả lại phần lớn là vốn ODA, trong khi các bộ, ngành, địa phương muốn bổ sung tăng vốn chủ yếu lại chỉ cần vốn trong nước. Thực tế này gây áp lực không nhỏ trong công tác điều hòa vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Bộ Tài chính cho biết, phần vốn trả lại sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho các dự án mới. Điểm khác biệt lớn nhất so với trước là từ năm 2022, sau khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, bộ ngành xin trả lại kế hoạch vốn ODA sẽ bị điều chuyển vốn và giảm vốn trong kế hoạch vốn trung hạn.

Dù vậy, việc các bộ, ngành, địa phương phải trả vốn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch các năm tiếp theo. Bộ Tài chính e ngại dự kiến hết niên độ vốn nước ngoài chỉ hoàn thành trên 40% kế hoạch được giao. Nếu năm nay giải ngân thấp sẽ dồn vốn sang các năm tiếp theo, áp lực giải ngân lớn hơn.

Do đó, cần đánh giá toàn diện về việc lập kế hoạch đầu tư, hiệu quả, chất lượng, nhu cầu vốn ODA thời gian qua. Hiện nay, vay ODA ngày càng khó, ưu đãi giảm dần nên phải xem dự án nào thật sự cần thiết mới vay. Vốn ODA thường có kỳ hạn vay 30 - 40 năm. Cần làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công cần đúng, đủ, sát thực tế, hạn chế việc giao thừa, giao không đủ điều kiện phân bổ dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn phân bổ.

Phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách và kỷ luật đầu tư công. Cần sớm ban hành quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công. Đồng thời cần sửa đổi nhiều quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.