Quyết định này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân và dư luận xã hội. Đồng thời, thể hiện tinh thần quyết liệt của lãnh đạo TP trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Hai cán bộ này phải chịu hình thức kỷ luật trên là do vi phạm nghĩa vụ viên chức, không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành, không trung thực trong vụ việc báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Rồi cố tình che giấu, vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói riêng và người cán bộ nói chung… Và như lãnh đạo TP đã nhấn mạnh, việc cách chức hai cán bộ này không phải là kết thúc mà để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan công an, nếu có vi phạm hình sự sẽ tiếp tục xem xét xử lý. Nhưng nếu chỉ vi phạm ở mức độ hành chính thì hai cán bộ này cũng đã không xứng đáng ở vị trí của mình. Dư luận đánh giá cao việc chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP bao nhiêu thì lại băn khoăn bấy nhiêu khi ngành giáo dục và lãnh đạo quận Cầu Giấy lại vào cuộc rất chậm vì còn chờ chỉ đạo bằng văn bản của TP và kết quả điều tra của cơ quan công an. Sự chậm trễ đó của Sở GD&ĐT và chính quyền quận Cầu Giấy thật khó hiểu và đi ngược lại tinh thần Năm kỷ cương hành chính 2017 của TP và việc thực hiện Quy chế ứng xử của các cán bộ, công chức, viên chức vừa được ban hành. Đây không chỉ là bài học với ngành giáo, mà còn là bài học trong giữ kỷ cương, nền nếp hành chính, công vụ.
Cùng với vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, những trường hợp cán bộ công chức có hành vi ứng xử kém, dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng khiến vấn đề kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trở nên “nóng”. “Cách ứng xử của công chức như thế có phù hợp với tiêu chuẩn cán bộ công chức không?” câu hỏi ấy đã được đặt ra. Ở môi trường nào, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ là yếu tố cần thiết và quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, với ngành giáo dục, nơi đang thực hiện 6 chữ “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, việc loại bỏ những trường hợp vi phạm càng cần thiết.
Từ sự cương quyết này, người dân kỳ vọng rằng, việc nêu gương trong trách nhiệm của người đứng đầu, việc siết chặt kỷ cương trên mọi lĩnh vực sẽ tiếp tục được thực thi. Tinh thần đó sẽ càng phát huy tác dụng hơn khi có sự kiểm điểm nghiêm túc, sự rốt ráo của người trong cuộc. Và nỗ lực làm lành mạnh bộ máy công quyền, công vụ luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, sự giám sát nghiêm minh, hiệu quả, để không còn cơ hội cho những “thói hư, tật xấu” phát tác, ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ công chức Thủ đô.