Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh:
Không để gián đoạn dịch vụ công khi ngừng hoạt động các đơn vị hành chính cũ từ 1/7/2025
Kinhtedothi - "Từ 0 giờ ngày 1/7/2025, khi các đơn vị hành chính cũ ngừng hoạt động, đến 23 giờ cùng ngày, mọi dịch vụ công thiết yếu phải được đảm bảo vận hành trôi chảy. Các dịch vụ như xác nhận giấy tờ, cấp giấy khai sinh, hay hỗ trợ thủ tục học tập không được gián đoạn" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5, các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Vận hành trôi chảy mọi dịch vụ công thiết yếu
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và khẳng định, việc sửa đổi là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, không còn cấp huyện.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội quan tâm đến quy định chuyển tiếp tại điều 54 và đề nghị, đưa các nội dung liên quan đến đợt sắp xếp đơn vị hành chính lần này vào nghị quyết riêng, còn luật nên tập trung vào các quy định dài hạn.
Cụ thể, tại khoản 6 điều 54, dự thảo Luật quy định, trong thời hạn 15 ngày, từ ngày 1/7 - 15/7/2025, các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ bàn giao công việc. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, các dịch vụ công thiết yếu như cấp giấy khai sinh, khai tử, hay xác nhận hồ sơ học tập vẫn phải được thực hiện. "Vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm xử lý các thủ tục này nếu các đơn vị hành chính cũ không còn tồn tại? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng" - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nêu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã thống nhất một quan điểm xuyên suốt: từ 0 giờ ngày 1/7/2025, khi các đơn vị hành chính cũ ngừng hoạt động, đến 23g cùng ngày, mọi dịch vụ công thiết yếu phải được đảm bảo vận hành trôi chảy. Các dịch vụ như xác nhận giấy tờ, cấp giấy khai sinh, hay hỗ trợ thủ tục học tập không được gián đoạn.
"Tôi đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để rà soát kỹ lưỡng khoản 6 Điều 54, đảm bảo từ 0g ngày 1/7, các đơn vị hành chính mới hoạt động ngay lập tức, không để xảy ra khoảng trống pháp lý hoặc gián đoạn dịch vụ công" - đại biểu Trần Sỹ Thanh đề xuất.
Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND, dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ ràng, tuy nhiên Chủ tịch UBND TP vẫn bày tỏ lo ngại về việc triển khai ở các địa phương như Hà Nội - nơi ranh giới hành chính được phân chia lại mà không phải sáp nhập hoàn toàn. Ví dụ, một xã hoặc phường cũ có thể được chia thành hai đơn vị hành chính mới, dẫn đến khó khăn trong việc xác định số lượng đại biểu HĐND. Nếu sáp nhập 4 đến 5 xã thành một đơn vị hành chính mới, số lượng đại biểu HĐND có thể trở nên quá lớn, gây phức tạp trong tổ chức. Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề này để bảo đảm tính khả thi.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị rà soát và điều chỉnh quy định tại khoản 2, điều 11, hoặc khoản 2, điều 34 quy định sau khi ổn định, HĐND mới sẽ bầu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND để đảm bảo đồng bộ; có thể bỏ quy định bầu chức danh tại thời điểm này để phù hợp với chỉ đạo của Đảng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Khánh Duy
Thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân
Góp ý về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là cơ hội gần nhất để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay, rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển và hiểu biết lẫn nhau giữa hai khối. Khoảng cách giữa khu vực Nhà nước và tư nhân ngày càng lớn, khiến cán bộ Nhà nước thiếu hiểu biết về thực tiễn xã hội, các loại hình kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hóa. Điều này dẫn đến sự lạc hậu, cứng nhắc và thiếu khả năng quản lý, quản trị các lĩnh vực phức tạp.
Hệ thống quy định hiện hành về tuyển dụng công chức, với các giới hạn về độ tuổi, kinh nghiệm và kỳ thi, đang ngăn cản sự giao lưu lao động. Đại biểu dẫn chứng: "nếu tôi muốn mời một giám đốc ngân hàng tư nhân hoặc một nhà khoa học từ viện nghiên cứu tư nhân về làm việc cho chính quyền địa phương, các quy định hiện hành không cho phép. Ngược lại, cán bộ Nhà nước sau thời gian công tác cũng khó chuyển sang khu vực tư nhân để làm tư vấn hoặc tham mưu dù họ có kinh nghiệm quý giá. Sự thiếu giao lưu này là rào cản lớn cho sự phát triển và nâng cao năng lực quản trị quốc gia".
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị lần sửa đổi này của Luật phải tạo cơ chế để thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương về vấn đề này. Việc khơi thông giao thoa lao động không chỉ giúp cán bộ Nhà nước hiểu rõ hơn thực tiễn xã hội, mà còn nâng cao hiệu quả quản trị, đưa các loại hình kinh doanh, kinh tế và văn hóa tiến gần hơn với đời sống thực tế. "Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nền quản trị quốc gia"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương: những định hướng mới đáng chú ý
Kinhtedothi-Hôm nay, 15/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp (BCĐ) đã ký Công văn số 03/CV-BCĐ gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC và tổ chức CQĐP 2 cấp.