Sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương: những định hướng mới đáng chú ý
Kinhtedothi-Hôm nay, 15/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp (BCĐ) đã ký Công văn số 03/CV-BCĐ gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC và tổ chức CQĐP 2 cấp.
Đồng thời, định hướng về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) khi thực hiện sắp xếp.
Theo đó, thực hiện nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp, BCĐ của Chính phủ định hướng một số nội dung quan trọng.
Lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã
Về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, Công văn số 03/CV-BCĐ nêu rõ phải tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã.
Cụ thể, để đáp ứng tiến độ sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 137-KL/TW và có sự linh hoạt, chủ động cho các địa phương tổ chức thực hiện phù hợp thực tiễn, tại Khoản 2 Mục II Kế hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 7/4/2025 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp đã quy định: UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn ĐVHC cấp tỉnh thực hiện sáp nhập (đối với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh), ở những ĐVHC cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp (đối với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã); quyết định hình thức và trình tự, thủ tục, thời hạn lấy ý kiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm tiến độ trình hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC theo yêu cầu tại Kết luận 137-KL/TW và Nghị quyết này.
Để bảo đảm thống nhất về nội dung, trình tự, thủ tục lấy ý kiến Nhân dân tại địa phương, đề nghị UBND cấp tỉnh có thể lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến (theo mẫu gửi kèm) hoặc lựa chọn các hình thức phù hợp khác (lấy phiếu qua trang thông tin điện tử, họp đại diện hộ gia đình tại ĐVHC cấp xã, thôn, tổ dân phố để biểu quyết...) Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã có thể thực hiện đồng thời với lấy ý kiến về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.
Căn cứ Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII và Kết luận số 137-KL/TW, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị-hành chính) chủ trì, phối hợp Ban Thường vụ tỉnh ủy cùng cấp sáp nhập xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh (Đề án). Đối với việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn của địa phương nào thì Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy nơi đó chỉ đạo tổ chức lấy kiến.
Xây dựng phương án chuyển nguyên trạng các huyện đảo, TP đảo thành đặc khu
Về định hướng sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã thuộc các ĐVHC cấp huyện ở hải đảo, theo định hướng của cấp có thẩm quyền khi tổ chức CQĐP 2 cấp thì các huyện đảo, TP đảo hiện nay sẽ chuyển thành các đặc khu, gồm TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và 11 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Theo đó, trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của các tỉnh, TP nêu trên cần lưu ý xây dựng phương án chuyển nguyên trạng các huyện đảo, TP đảo thành đặc khu và kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp xã (nếu có) thuộc huyện đảo, TP đảo. Riêng với tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc TP Phú Quốc để thành lập 1 huyện riêng, theo đó đề nghị xây dựng phương án thành lập 2 đặc khu Phú Quốc và Thổ Châu.

Phiên họp thứ nhất của BCĐ thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Ảnh: VGP)
Định hướng về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh
Công văn số 03/CV-BCĐ cũng nhấn mạnh, cơ cấu tổ chức CQĐP cấp tỉnh (tỉnh, TP trực thuộc T.Ư) cơ bản giữ nguyên như mô hình cấp tỉnh hiện nay.
Cụ thể, CQĐP cấp tỉnh gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp tỉnh tổ chức 3 - 4 ban chuyên môn giúp việc. Theo đó, HĐND tỉnh thành lập 3 Ban gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc). HĐND TP trực thuộc T.Ư thành lập 4 Ban (Pháp chế, Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa-Xã hội, Đô thị) theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP năm 2025.
UBND cấp tỉnh tổ chức tối đa 14 sở và tương đương (riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tổ chức tối đa 15 sở và tương đương) theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cơ quan thuộc HĐND, cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc UBND ở ĐVHC cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo hướng nhập nguyên trạng các cơ quan thuộc HĐND cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương và Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND cấp tỉnh phù hợp quy định của UBTV Quốc hội.
Trường hợp HĐND ở một trong các ĐVHC cấp tỉnh trước khi sắp xếp có tổ chức Ban Dân tộc thì HĐND cấp tỉnh sau sắp xếp được tổ chức Ban Dân tộc để hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021-2026, sau đó thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức CQĐP (sửa đổi).
Đồng thời, nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Đối với các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh thì việc tổ chức do CQĐP cấp tỉnh sau sắp xếp xem xét, quyết định phù hợp quy định của Chính phủ.
Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tối đa
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của CQĐP cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức CQĐP (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. BCĐ đề nghị sau khi Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2025), các địa phương chủ động triển khai thực hiện theo quy định.
Đặc biệt, để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Công văn nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tối đa từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cho CQĐP cấp tỉnh, nhất là trong ban hành các cơ chế, chính sách, lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai... để bảo đảm đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện, nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP.
Về biên chế, số lượng CBCCVC của ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp, Công văn nêu rõ số lượng tối đa không vượt quá tổng số CBCCVC (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.
Sau khi CQĐP cấp tỉnh đi vào hoạt động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức T.Ư và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp tỉnh để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho địa phương.

Cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được bố trí công tác ở đơn vị hành chính mới tiếp tục được hưởng lương theo ngạch, bậc, chế độ phụ cấp lương hiện hưởng trong 6 tháng (Ảnh: công chức UBND phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến)
Định hướng sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp tỉnh
Cũng theo Công văn này, đối với CBCC lãnh đạo, quản lý, việc sắp xếp, bố trí CBCC giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư đối với cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập.
Số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các tổ chức ở ĐVHC cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện bố trí theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Với trường hợp đang giữ chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, căn cứ điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực CBCC, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mới sau sắp xếp.
Đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu sau sắp xếp thì được bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của CBCC và được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trường hợp đang giữ chức danh cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Ban Thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu đơn vị sau sắp xếp hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của CBCC.
Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc CQĐP ở ĐVHC cấp tỉnh mới sau sắp xếp có thể cao hơn quy định và giảm dần theo lộ trình bảo đảm thực hiện quy định của Chính phủ.
Trước mắt giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) hợp đồng hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để sắp xếp, bố trí công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng hoặc bố trí công tác tại cấp xã. Sau đó, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.
Chế độ, chính sách với CBCCVC, NLĐ khi thực hiện sắp xếp ĐVHC
Công văn nêu, CBCCVC, NLĐ hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được bố trí công tác ở ĐVHC mới thì tiếp tục được hưởng lương theo ngạch, bậc và các chế độ phụ cấp lương hiện hưởng trong thời gian 6 tháng; sau đó thực hiện theo quy định mới của Chính phủ.
Trường hợp CBCCVC, NLĐ trong quá trình sắp xếp mà có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc rà soát, đánh giá và thực hiện chính sách, chế độ theo quy định hiện hành của Chính phủ, bảo đảm giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trường hợp CBCC ở cấp huyện và cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Chính phủ.
CBCCVC, NLĐ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn ĐVHC sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo ĐVHC như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền. Trường hợp có thay đổi tên gọi của ĐVHC sau sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của ĐVHC để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.
Cùng đó, BCĐ cũng định hướng, CQĐP cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của ĐVHC mới sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC sau sắp xếp; quan tâm đến nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ CBCCVC, NLĐ để ổn định điều kiện làm việc tại ĐHVC mới sau sắp xếp.
Đồng thời, khi triển khai thực hiện sắp xếp ĐHVC cấp tỉnh, giao địa phương căn cứ điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy chính quyền có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng CBCCVC làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh cùng sáp nhập và tại trung tâm hành chính-chính trị của ĐVHC mới để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn của tỉnh cùng sáp nhập và bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của CBCCVC, NLĐ trong giai đoạn đầu sáp nhập.

Sau sắp xếp, các bộ, ngành tinh giản hơn 22.300 biên chế
Kinhtedothi-Sau sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, kết quả số lượng biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22.323 người, đạt khoảng 20%.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị về tên gọi di sản sau sắp xếp đơn vị hành chính
Kinhtedothi - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, đề nghị rà soát, điều chỉnh và xác định các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp có liên quan đến di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và các di sản khác.

Chính quyền địa phương hai cấp: đề xuất cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Kinhtedothi-Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ Nội vụ vừa tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện là cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.