Không đề ra trọng số, sẽ có rừng trường thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thí sinh trao đổi sau buổi thi tốt nghiệp môn Toán tại Hội đồng thi trường THPT Việt Đức. Ảnh: Nguyễn Anh

"Ủng hộ kỳ thi quốc gia có hai mục tiêu; kỳ thi phải đặt trọng số rõ ràng và các trường đại học (ĐH) phải công bố cách tính điểm cho học sinh (HS) biết" - PGS Văn Như Cương khá thẳng thắn khi bày tỏ về quan điểm lựa chọn phương án thi cũng như cách tổ chức thi để đạt kết quả trung thực.   

Trọng số phải đến 80%

Ông nhận xét thế nào về 3 phương án (PA) thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến?

- Tôi ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất có 2 mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH tuyển sinh. Muốn thực hiện thành công chủ trương này, mục tiêu thứ nhất và thứ hai phải được thể hiện rõ trong từng PA. Thế nhưng, cả 3 PA chưa nói rõ HS phải đạt điểm số bao nhiêu mới đỗ tốt nghiệp. Theo tôi, với PA1 có thể quy định 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn phải đạt từ 5 điểm trở lên. Tôi đề nghị khi Bộ GD&ĐT công bố PA chính thức, nên nêu cụ thể điểm đỗ tốt nghiệp, môn thi nào tính hệ số mấy để HS phấn đấu. Ngoài ra, mục tiêu thứ 2 chưa được làm rõ vì các PA chưa chỉ ra được tiêu chí nào quyết định để HS vào được ĐH? HS thi thêm môn tuyển sinh vào ĐH ở mức độ nào? Trọng số của kết quả kỳ thi quốc gia được bao nhiêu phần trăm để xét tuyển ĐH? Tôi cho rằng, trọng số ấy phải lớn đến 80%, còn nếu là 20% thì kỳ thi chẳng có ý nghĩa với việc tuyển sinh ĐH.

 
Không đề ra trọng số, sẽ có rừng trường thi - Ảnh 1
Kinhtedothi - Các thí sinh trao đổi sau buổi thi tốt nghiệp môn Toán tại Hội đồng thi trường THPT Việt Đức. Ảnh: Nguyễn Anh
Vậy là, trong PA thi nhất thiết phải nói rõ trọng số, thưa ông?

- Đúng thế! Cần phải nói rõ trọng số và quy định tuyển chọn của các trường ĐH dựa vào kết quả thi như thế nào, môn nào nhân hệ số, thi thêm môn gì. Nếu không đề ra trọng số góp phần cho tuyển sinh ĐH sẽ đẻ ra một rừng các cuộc thi vào ĐH khác. Nghĩa là ngoài 1 kỳ thi quốc gia chung, mỗi trường ĐH có 1 kỳ thi riêng ít nhất 1 hoặc 2 môn, như thế thì rất phức tạp.

Theo ông, PA thi nào là thích hợp và khả thi để thực hiện trong năm 2015?
PA1 quy định thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn còn lại (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa). Ngoài ra, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại để sử dụng cho việc đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
- Theo tôi nên thực hiện PA1 thi theo môn. PA2 và 3 có khái niệm thi theo bài (bài thi khoa học tự nhiên, bài thi khoa học xã hội), trong đó nhấn mạnh, tích hợp chưa thể làm được ngay bởi chương trình sách giáo khoa thực hiện theo môn, học cũng theo môn. Khi sách giáo khoa không nói dạy tích hợp, thầy giáo chúng tôi làm thế nào để ra bài tích hợp được, cho nên khái niệm ấy rất khó.

Đề thi có 80% HS làm được

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đại diện các trường ĐH cho rằng, thi theo PA1 sẽ khiến HS học lệch và việc dạy - học không theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới GD&ĐT, học toàn diện?

- Đúng! Việc này giống như năm vừa rồi thi tốt nghiệp THPT, HS đã học lệch vì các em chỉ đổ xô học 2 môn Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn thi môn vào ĐH. Muốn khỏi học lệch và thi theo bài nên thực hiện từ năm 2016, 2017. Năm 2015 gấp quá, chúng tôi lấy đâu ra sách giáo khoa để dạy và thi theo bài?

Theo ông, nếu Bộ GD&ĐT chọn PA1, đề thi nên được ra như thế nào để có tỷ lệ nhất định đỗ tốt nghiệp?

- Các câu hỏi được ra trong đề thi phải tính toán làm sao để có đến 80% HS làm được. Đề thi Toán có khoảng 40% số câu hỏi khó hơn để có mức độ điểm 8, 9, 10 làm căn cứ xét tuyển vào ĐH.

Vừa rồi ĐHQG Hà Nội đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH theo PA1, bài thi tổng hợp đánh giá được toàn diện năng lực của HS, thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Có người đề xuất triển khai đề án này cho kỳ thi THPT quốc gia. Theo ông, đề án này liệu có khả thi?

- Đề án của ĐHQG Hà Nội tôi thấy khó thực hiện, nhất là khi triển khai trên máy tính. Chúng ta phải biết ở vùng sâu, xa không có mạng internet, có những HS chưa bao giờ được tiếp cận với máy tính, lại có em chưa bao giờ được sử dụng. Khi các em thực hiện bài thi trên máy, nếu bấm nhầm nút nào đó, máy "đơ" ai sẽ hỗ trợ? Hay bấm nhầm vào đáp án A, nhưng muốn chuyển sang đáp án khác thì sao?… Tất cả những tình huống này đều phải tính toán. Rồi, không biết bộ đề vài ngàn câu hỏi có độ chính xác như thế nào. Vì vậy, tôi đề nghị nếu triển khai trên toàn quốc thì phải thử nghiệm, mời chuyên gia đến thẩm định các câu hỏi. Những năm qua, Bộ làm đề thi rất cẩn trọng và có thẩm định mà vẫn còn sai sót, huống hồ hàng mấy ngàn câu hỏi, ai bảo đảm là không có sai? Cho nên, tôi thấy PA này chưa thực sự hợp lý.

Xin cảm ơn ông!