Tăng nhập khẩu xăng dầu từ nhiều nguồn
Theo kế hoạch, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm khoảng 35% thị phần xăng, dầu trong nước) đã tiến hành chính thức tạm dừng sản xuất để phục vụ bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất, trong vòng 55 ngày kể từ ngày 25/8.
Để bù đắp nguồn cung xăng dầu thiếu hụt trong thời gian này, các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên cả nước đã chủ động phương án tìm kiếm, nhập khẩu nguồn hàng từ rất sớm.
Thời điểm này, Công ty CP Anh Phát Petro (Nghi Sơn, Thanh Hóa) đang cung ứng cho thị trường 3.000 – 4.000 m3 xăng dầu mỗi ngày. Để đảm bảo nguồn xăng dầu trong thời gian nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng, Anh Phát Prtro đang tăng cường nhập khẩu các nguồn hàng xăng dầu từ Hàn Quốc, Singapore và các nước lân cận để đảm bảo xăng dầu cho thị trường.
Ông Nguyễn Quang Tuấn – Cố vấn HĐQT Công ty CP Anh Phát Petro cho biết: “Kho chứa của công ty có tổng diện tích trên 165.000 m3. Chúng tôi đang tăng cường nhập khẩu xăng dầu với 30.000 tấn chuẩn bị cập cảng Nghi Sơn để lưu trữ vào kho và cung cấp cho thị trường. Bất cứ trong tình huống nào của thị trường, chúng tôi cũng sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ, đưa thêm ra thị trường hàng hóa đảm bảo chất lượng”.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng đã được thông báo sớm nên các thương nhân phân phối, kinh doanh xăng dầu đã xây dựng phương án chủ động tìm kiếm nguồn cung xăng dầu thay thế để phục vụ nhu cầu của người dân, DN trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng DN đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát, thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng, dầu tại các DN đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay hầu hết các DN đầu mối xăng dầu trên cả nước đã dự trữ xăng dầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường. Hiện lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, TP đã xây dựng phương án tăng cường quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Hoạt động này nhằm duy trì liên tục, ổn định, đáp ứng đầy đủ sản phẩm xăng dầu cho người dân và DN; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, lợi dụng tình hình để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và quyền lợi của người tiêu dùng.
Vẫn băn khoăn bài toán doanh thu, lợi nhuận
Dự báo về thị trường xăng dầu trong nước từ nay đến cuối năm 2023, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo nhận định, thị trường xăng dầu có thể sẽ ảnh hưởng đôi chút về nguồn cung trong nước, song sẽ không quá lớn khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động. Do kế hoạch tạm dừng hoạt động của Nghi Sơn đã được báo trước từ sớm, nên hơn 30 đầu mối nhập xăng dầu lớn trong nước đủ năng lực để nhập khẩu hàng.
Là một đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương tăng phân giao thêm hơn 20.000 m3/tháng trong quý III/2023, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro Phạm Văn Thoại chia sẻ: “Như vậy mỗi tháng DN sẽ nhập khẩu khoảng 70.000 m3, song việc nhập khẩu sẽ cần phải tính toán bài toán doanh thu và lợi nhuận. Lo nhất là tăng nhập khẩu xong không bán được hoặc tồn đọng”.
Trước lo ngại giá biến động lên xuống thất thường sẽ ảnh hưởng đến lượng xăng dầu mà các DN cam kết nhập khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, giá xăng dầu bao giờ cũng biến động, ngành kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh đặc thù nên khi tham gia, DN phải có chủ động về vấn đề này. Có thể lãi, có thể lỗ do tỷ giá là điều chấp nhận được.
Ông Bùi Ngọc Bảo cũng bày tỏ băn khoăn vì thực tế nhiều lần thị trường xăng dầu trong nước đã gặp bất ổn khi đầu mối nhập khẩu lỗ do chênh lệch giá bán lẻ thấp hơn giá thành và chi phí xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam. Như vậy, rủi ro lớn nhất của đầu mối chính là chênh lệch giá mua bán. Giá nhập theo cơ chế thị trường, nhưng giá bán vẫn quản lý theo định giá, trong điều kiện bình thường, giá ít biến động, thị trường xăng dầu sẽ không gặp vấn đề. Tuy nhiên, trong điều kiện giá thế giới biến động theo ngày, thị trường sẽ dao động, rủi ro lớn cho DN, từ đó có thể ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
“Cái gì thuộc về thị trường nên để thị trường quyết định. Nhà nước muốn quản lý tốt thị trường xăng dầu, cần có chính sách làm sao để nguồn cung đảm bảo, tính đúng, đủ của giá thành xăng dầu để đảm bảo DN nhập xăng về không chịu cảnh lỗ do giá bán” – ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất.