Không để trục lợi!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin về việc DN lách luật bằng cách chia nhỏ hợp đồng mua nhà để trục lợi...

Kinhtedothi - Trước thông tin về việc DN lách luật bằng cách chia nhỏ hợp đồng mua nhà để trục lợi gói 30.000 tỷ đồng, lãnh đạo một cơ quan chức năng cho biết, ngành ngân hàng (NH) sẽ tổ chức kiểm tra việc cho vay gói 30.000 tỷ đồng, trong đó có việc có hay không trách nhiệm của NH trong sự việc này.

Với chiêu thức “lách luật” tinh vi, một DN bất động sản đã chia nhỏ số tiền phải trả để mua căn hộ tại một dự án thuộc quận Hà Đông - Hà Nội ra thành 2 hợp đồng. Cụ thể, căn hộ 61m2 giá khoảng 1,2 tỷ đồng được chủ đầu tư phân thành 2 hợp đồng. Một hợp đồng mua nhà ký trực tiếp với chủ đầu tư có giá 590 triệu đồng, một hợp đồng ký với sàn giao dịch có giá 610 triệu đồng. Bằng cách này, chủ đầu tư đã hợp pháp hóa được các điều kiện để khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng, tăng thanh khoản cho dự án.
Việc cho vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà ở cần phải thẩm định chặt chẽ.  Ảnh: Trần Việt
Việc cho vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà ở cần phải thẩm định chặt chẽ. Ảnh: Trần Việt
Trước thông tin này, lãnh đạo một cơ quan chức năng cho biết, sắp tới, ngành NH sẽ tổ chức kiểm tra việc cho vay gói 30.000 tỷ đồng của các NHTM, trong đó, có việc có hay không chuyện NH “tiếp tay” cho DN lách luật. Vị đại diện này cho hay, sau khi kiểm tra, sai phạm (nếu có) đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật Basico cho biết, vụ việc này có 3 cái sai. Cái sai của chủ đầu tư thì đã rõ ràng. Còn NH sai ở việc thẩm định, đánh giá, xem xét thủ tục cũng như thẩm định năng lực của chủ đầu tư. Cái sai thứ ba thuộc về người vay dù họ cũng là đối tượng cần được bảo vệ.

Về việc xử lý, luật sư Đức nêu ý kiến, các cơ quan chức năng nên cân nhắc mức xử phạt thế nào cho hợp tình, hợp lý. Trường hợp khách hàng không đủ điều kiện vay mà cố tình hợp pháp hóa hồ sơ để được vay thì không được bảo vệ, cần hủy hợp đồng đi. Còn nếu khách hàng bị DN dụ dỗ, tư vấn sai và vô tình tiếp tay cho sai phạm thì nên được thông cảm. Tất nhiên, theo quy định, khách hàng nếu không đúng đối tượng chắc chắn sẽ phải chịu mức lãi suất cho vay thương mại và bù lãi suất trong thời gian đã được vay ưu đãi.

Theo Thông tư số 07/2013/TT-BXD, đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các đối tượng được vay vốn chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân thấp hơn 8m2 sử dụng/người. Người được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên. Mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ.

Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, Thông tư 07 quy định, các tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở, còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các tổ chức tín dụng. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng đủ điều kiện được vay để hỗ trợ nhà ở theo quy định trong Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường.