Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không dùng điểm số đánh giá học sinh tiểu học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong những điểm mới ở dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GDĐT dự kiến sẽ triển khai trong năm học 2014-2015. Thay vào đó, sẽ tăng cường việc nhận xét của giáo viên với học sinh qua mỗi bài học

Bỏ áp lực điểm số, tăng cường đánh giá thường xuyên

Theo dự thảo, năm học tới sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên quá trình dạy học.

Giải thích về hướng đi này, ông  Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: “Tinh thần của quy định nhằm giảm áp lực về điểm số đổi với học sinh tiểu học,  tiến tới đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh. Giúp học sinh phát huy được hết khả năng của mình, bảo đảm công bằng, khách quan.

 
Không dùng điểm số đánh giá học sinh tiểu học - Ảnh 1
Giáo viên không thông báo trước lớp và trong cuộc họp phụ huynh những điểm chưa tốt của từng học sinh.
Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh em này với em khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh”.

Theo đó, giáo viên sẽ căn cứ vào muc tiêu từng bài học, mỗi hoạt động mà HS phải thực hiện trong bài học để tiến hành thường xuyên quan sát, theo dõi, đối thoại, phỏng vấn, kiểm tra tiến trình thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm của học sinh theo tiến trình bài học.

Qua đó nhận định, nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của từng học sinh về những nội dung đã làm hoặc chưa làm được mức độ hiểu biết kiến thức, khả năng thực hiện các thao tác,...

Từ đó, chỉ ra nguyên nhân và biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình học tập đối với những học sinh thực hiện chưa đúng, chưa đạt yêu cầu. Giáo viên cần quan tâm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập trong bài học của học sinh, chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành.

Theo hàng tuần, giáo viên ghi rõ những bài học và nội dung cụ thể mà học sinh chưa hoàn thành, việc làm cụ thể giúp học sinh biết cách hoàn thành một cách kịp thời. Hàng tháng, sẽ nhận xét về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn để đánh giá từng học sinh, lập kế hoạch và có biệp pháp giúp đỡ cụ thể.

Tuy nhiên, ông Định cũng nhấn mạnh, khi nhận xét giáo viên cần đặc biệt lưu ý sự tiến bộ của từng học sinh để động viên, khích lệ kịp thời giúp các em tự tin hơn.

Cần cam kết bàn giao chất lượng để “thúc” giáo viên

Bàn về việc sử dụng kết quả đánh giá để xét hoàn thành chương trình lớp học, ông Định cho biết: “Với những học sinh dù đã được giáo viên trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt tiêu chuẩn thì giáo viên tùy theo mức độ chưa hoàn thành của học sinh để lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để quyết định việc lên lớp hoặc ở lại, đưa vào nội dung cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục, lập kế hoạch cụ thể động viên, giúp đỡ trong năm tiếp theo”.

Theo ông Định, việc lên lớp của học sinh sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, nếu cho học sinh lên lớp thì phải có sự bàn giao cho giáo viên lớp trên để có kế hoạch cải thiện.

Nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên, cũng như việc đánh giá học sinh được khách quan và trung thực, dự thảo này cũng đưa ra quy định cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục.

Qua đó, cũng giúp giáo viên nhận lớp trong năm học tiếp theo có đầy đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

Theo đó, vào cuối năm học hoặc đầu năm học mới, hiệu trưởng trường tiểu học chỉ đạo tổ chức cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm các lớp 1, 2, 3, 4 tổ chức họp với giáo viên nhận lớp vào năm học kế tiếp để bàn giao hồ sơ đánh giá từng học sinh; nhận xét những nét nổi bật hoặc hạn chế cần khắc phục về mức độ nhận thức, đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, hoạt động giáo dục; mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất…; ghi biên bản cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục.

Riêng giáo viên chủ nhiệm lớp 5 cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục, hồ sơ đánh giá của học sinh với hiệu trưởng.

Đối với giáo viên chủ nhiệm, họ chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá học sinh, chất lượng giáo dục học sinh trong lớp; bàn giao và cam kết chất lượng giáo dục học sinh; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh; thực hiện cam kết, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh.

Khi được yêu cầu, thông báo đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của HS cho phụ huynh của học sinh đó. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp phụ huynh những điểm chưa tốt của từng học sinh.